Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị giáo dục thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên nghỉ học từ chiều ngày 19/9 cho đến khi thời tiết bình thường trở lại.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình yêu cầu các đơn vị phân công trực ban 24/24, với phương châm "4 tại chỗ", nhằm chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra. Sẵn sàng tạo điều kiện cho người dân vào tránh trú tại các cơ sở giáo dục nếu đủ điều kiện an toàn.
Phối hợp với chính quyền, đoàn thể của địa phương, của nhà trường khẩn trương tập trung lực lượng tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường, lớp khi mưa ngớt, nước rút; rà soát, kiểm tra phương tiện, cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy, học; đặc biệt đảm bảo an toàn các nguồn điện trước khi đưa vào sử dụng.
Thường xuyên giữ liên lạc thông suốt, kịp thời thông báo tình hình đến phụ huynh học sinh để nhanh chóng xử lý các tình huống, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất. Khi có sự cố hoặc các vấn đề phát sinh, liên hệ trực tiếp đến lãnh đạo Sở, lãnh đạo địa phương để được hướng dẫn xử lý.
Ngày 19/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện về việc khẩn trương ứng phó với bão số 4 và mưa lớn.
Theo đó, để ứng phó với bão số 4 và mưa lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị thủ trưởng các sở ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện của số 97 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 18/9, triển khai quyết liệt, có hiệu quả công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế trên địa bàn, quán triệt phương châm "4 tại chỗ", tuyệt đối không chủ quan, lơ là, trong đó tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện tại nơi neo đậu tránh trú và các hoạt động sản xuất trên biển, ven biển, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu du lịch, dịch vụ ven biển.
Triển khai phương án ứng phó với mưa, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân; hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, sản xuất kinh doanh, đê điều, hồ đập, công trình xây dựng, nhất là công trình giao thông, đê kè đang thi công; khẩn trương hoàn thành việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh đô thị, nhà cửa, trụ sở, nạo vét, khơi thông cống rãnh, hệ thống tiêu thoát nước.
Vận hành, điều tiết các hồ đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an toàn tuyệt đối các công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, không để xảy ra tình trạng lũ chồng lũ.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, nhất là tại các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
"Kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các hộ dân tại các khu vực bị cô lập; tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, không có nơi ở, thiếu nước uống", Công điện nêu rõ.
Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, hôm nay (19/9) các huyện Bố Trạch; Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, thị xã Ba Đồn, TP. Đồng Hới gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; các huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa có gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6.
Vùng biển tỉnh Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh. sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm bão 3,0-5,0m, biển động mạnh.
Trên địa bàn có 7.313 phương tiện/18.979 lao động. Hiện tất cả 7.313 phương tiện đã vào neo đậu, tránh trú tại bến. Địa phương có 152 hồ chứa nước thủy lợi và 2 hồ chứa thủy điện, dung tích hiện tại của các hồ chứa thủy lợi hiện đạt 28% dung tích thiết kế.
Lưu Hương