In bài viết

Quảng Bình: Ngập lụt gia tăng, di dời hơn 1.200 hộ dân

(Chinhphu.vn) – Tính đến chiều ngày 28/10, tỉnh Quảng Bình có 28.341 ngôi nhà bị ngập lụt, riêng huyện Lệ Thủy ghi nhận 15.801 nhà bị ngập.

29/10/2024 08:01
Quảng Bình: Ngập lụt gia tăng, di dời hơn 1.200 hộ dân- Ảnh 1.

Quảng Bình có 28.341 nhà bị ngập

Tối ngày 28/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho biết, do ảnh hưởng của bão Trà Mi, từ ngày 27/10 đến 28/10 tại địa phương diễn ra mưa lớn, tính đến chiều nay địa phương đã di dời 1.205 hộ/3.522 khẩu đến nơi an toàn.

Cụ thể, huyện Lệ Thủy đã tổ chức di dời 89 hộ/333 khẩu. Ngoài ra tại các xã, thị trấn vùng thấp trũng các hộ đã di dời nội bộ từ hộ nhà thấp sang nhà kiên cố, cao tầng.

Tại các địa phương khác như huyện Bố Trạch cũng đã di dời 13 hộ/53 khẩu; huyện Quảng Ninh đã di dời 1.071 hộ/3.006 khẩu; huyện Tuyên Hóa di dời 2 hộ/9 khẩu; TP. Đồng Hới di dời 30 hộ/121 khẩu từ nơi thấp đến nơi ở cao.

Toàn tỉnh có 28.341 ngôi nhà bị ngập lụt. Trong đó nhiều nhất là tại huyện Lệ Thủy với 15.801 ngôi nhà, huyện Quảng Ninh 11.540 nhà, TP. Đồng Hới 1.000 nhà bị ngập. Hiện 58 thôn bản bị chia cắt, trong đó, huyện Quảng Ninh 53 thôn bản; Lệ Thủy 5 thôn bản bị ngập.

Quảng Bình: Ngập lụt gia tăng, di dời hơn 1.200 hộ dân- Ảnh 2.

Nhiều tuyến đường bị sạt lở, ảnh hưởng đến giao thông

Các tuyến đường giao thông bị ngập 84 điểm. Mưa lớn đã làm 1 người chết (bị nước cuốn trôi) khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại khu vực hồ Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy; 3 tàu bị chìm và ghi nhận 13 điểm sạt lở tại các địa phương.

Để chỉ đạo, ứng phó với tình hình mưa lũ, trong ngày 28/10, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã đi kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ tại những địa phương ngập lụt nặng tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.

Theo đó, ông Trần Hải Châu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình kiểm tra tình hình mưa lũ và chỉ đạo công tác ứng phó, yêu cầu lực lượng chức năng tại các điểm chốt, chặn do đoạn đường bị ngập sâu tuyệt đối không để người và phương tiện qua lại; chủ động kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, khu vực giao thông có nguy cơ sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. 

Quảng Bình: Ngập lụt gia tăng, di dời hơn 1.200 hộ dân- Ảnh 3.

Di dời các hộ dân vùng thấp tới nơi an toàn

Kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Quảng Ninh trong ngày 28/10, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương, các lực lượng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, thường xuyên bám nắm địa bàn để kịp thời triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Nghiêm cấm người, phương tiện qua lại các điểm xung yếu, các điểm đã có cảnh báo, nhất là tại các xã bị ngập lụt nặng, các điểm nguy cơ sạt lở cao ở xã miền núi.

Các địa phương cần chỉ đạo các xã nhất quán với phương châm "4 tại chỗ" trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Trường hợp vượt quá khả năng của huyện thì phải khẩn trương báo cáo để có phương án giải quyết kịp thời. 

"Các lực lượng công an, quân sự, biên phòng huy động tối đa lực lượng và phương tiện để tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu.

Lưu Hương