Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, hiện nay toàn tỉnh có 800 tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản). Trong đó, có 711 tàu cá chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m, 50 tàu cá từ 12 m đến dưới 15 m, 39 tàu cá từ 15 m trở lên.
Các địa phương có số lượng tàu cá "3 không" nhiều, đó là thị xã Ba Đồn (424 tàu cá), huyện Quảng Ninh (120 tàu cá), huyện Quảng Trạch (95 tàu cá).
Hiện việc quản lý tàu cá "3 không" ở các địa phương vẫn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc: Số liệu đến thời điểm hiện tại cao hơn thời điểm báo cáo với Bộ NN&PTNT (tháng 3/2024) do các địa phương chưa rà soát đầy đủ; các địa phương chưa tập hợp được chủ tàu cá để phối hợp với Chi cục Thủy sản kiểm tra, cấp đăng ký; một số tàu cá nằm bờ tự ý cải hoán máy, chuyển sang nghề lưới kéo, chưa làm thủ tục sang tên, đổi chủ; một số tàu cá hoạt động ngoại tỉnh không về địa phương, nằm bờ không hoạt động, bị ngân hàng thu giữ…
Để thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá, đặc biệt, là tàu cá "3 không", Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương báo cáo với đơn vị liên quan danh sách cụ thể tàu cá "3 không"; các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị các địa phương cần tập trung chỉ đạo UBND cấp xã tiếp tục lập danh sách các tàu cá "3 không"; đối với nhóm tàu cá từ 12 m đến dưới 15 m lập danh sách cụ thể, phối hợp với Chi cục Thủy sản để thực hiện đăng kiểm theo quy định.
Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, các phòng, ban chuyên môn của các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các thủ tục theo quy định, cử cán bộ bám địa bàn; đối với nhóm tàu cá có số đăng ký nhưng không còn tàu thì hướng dẫn chủ tàu thực hiện thủ tục xóa đăng ký…
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập bến của tàu cá, kiên quyết không cho ra khơi đối với tàu cá không đảm bảo các quy định về đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản ngay từ trên bờ.
Công an tỉnh chủ động bám sát địa bàn, tăng cường nắm bắt thông tin, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vụ việc môi giới tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài.
Trước đó UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có công văn về việc khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ về quản lý tàu cá.
Theo đó, đối với các tàu cá đã xóa đăng ký trên Vnfishbase, UBND tỉnh yêu cầu xác định rõ nguyên nhân, lý do xóa đăng ký, cũng như tiếp tục rà soát các tàu đã mất tích, chìm đắm để xóa tên. Đối với những tàu cũ, không còn hoạt động nhưng các chủ tàu chưa thực hiện thủ tục xóa tên, các ngành, chức năng cần làm việc trực tiếp với từng chủ phương tiện, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục xóa tên tàu cá theo quy định của pháp luật.
Về tàu cá chưa đăng ký, chưa được cấp phép, tàu cá hết hạn đăng kiểm, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản lập danh sách chi tiết từng xã gửi các địa phương; phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, đồn biên phòng để quản lý, giám sát. UBND cấp huyện chỉ đạo cụ thể từng xã giám sát chặt chẽ vị trí neo đậu, đề nghị chủ tàu không để ngư lưới cụ trên các tàu này...
Với tàu cá mất kết nối VMS trên 6 tháng, tàu cá mất kết nối 6 giờ trên biển đến 10 ngày mà không báo cáo vị trí về bờ theo quy định, Chi cục Thủy sản phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, UBND cấp xã khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý nghiêm theo quy định.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đề nghị VNPT khẩn trương liên hệ nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh sớm khắc phục sự cố mất kết nối thiết bị giám sát hành trình để công tác giám sát hành trình tàu cá được đảm bảo.
Về lâu dài, đề nghị nghiên cứu phương án có vệ tinh dự phòng nhằm cung cấp dịch vụ thông suốt; có văn bản xác nhận thông tin chính xác lý do mất tín hiệu để địa phương có cơ sở xử lý theo quy định.
Lưu Hương