In bài viết

Quảng Bình tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

(Chinhphu.vn) - Quảng Bình phấn đấu đến ngày 31/1/2023 giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của địa phương đạt tỉ lệ cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

18/05/2022 14:41
photo-1652852092365

Tuyến đường ven biển Quảng Bình - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, năm 2022 tổng vốn đầu tư công tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ giao là 5.608,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương là 2.531,7 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương là 3.077,1 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư công năm 2022 được HĐND tỉnh giao là hơn 5.900 tỷ đồng, tăng 291,2 tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; công tác phân bổ vốn chủ yếu tập trung bố trí cho các dự án chuyển tiếp và khởi công mới. 

Tính hết tháng 4/2022, vốn đầu tư công đã giải ngân trên toàn tỉnh là 639,3 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 10,8% kế hoạch tỉnh giao và bằng 11,4% so với số vốn Thủ tướng giao. 

UBND tỉnh Quảng Bình thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư và các thủ tục liên quan khác, nỗ lực phấn đấu đến ngày 31/1/2023 giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh Quảng Bình đạt tỷ lệ cao nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Ngay từ đầu năm, Quảng Bình xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp thiết, là một trong 3 trọng tâm cần tập trung thực hiện để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, Ban Chỉ đạo dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam (đoạn qua Quảng Bình) để đôn đốc, chỉ đạo dự án trọng điểm. 

Ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, để hoàn thành mục tiêu  giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tập trung thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công được giao.

Từ nay đến cuối năm 2022, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng và triển khai các thủ tục sau đấu thầu để các dự án có thể triển khai thi công ngay. Tránh tình trạng dự án đã được bố trí vốn nhưng công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng chậm được giải quyết, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện, nhất là các dự án lớn của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung đôn đốc, theo sát các đơn vị thi công trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn các dự án, đặc biệt là các dự án có khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời. 

Tăng cường giám sát đánh giá đầu tư dự án, rà soát, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, đây sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để cân đối bố trí vốn cho các dự án trong những năm tiếp theo.

Địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án ODA; xây dựng các chính sách phù hợp về đền bù giải phóng mặt bằng để bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân và tính khả thi khi triển khai thực hiện dự án.

Lưu Hương