Ngày 24/1, tỉnh Quảng Bình họp Ban Chỉ đạo về tập trung thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến trong tháng 4/2024.
Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, thời gian qua địa phương đã quyết liệt thực hiện các giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU, tháo gỡ "thẻ vàng" của EC và đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ cước phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình tàu cá năm 2024 – 2026; thành lập Phòng Kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản; ký kết quy chế phối hợp với các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa về quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên biển; tổ chức 2 đợt kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU của các đơn vị, địa phương…
Đến nay toàn tỉnh có 3.557/3.705 tàu cá từ 6 m trở lên đã thực hiện đăng ký, đạt 96% (cả nước đạt 80,8%); 2.660/3.705 tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản; 945/1.554 tàu cá đã thực hiện đăng kiểm và 1.126/1.162 tàu cá từ 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (đạt 96,9%)...
Chi cục Thủy sản đã thực hiện giám sát 24/24h, qua giám sát đã phát hiện 154 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày, 35 lượt tàu vượt ranh giới vùng biển nước ngoài. Ban quản lý cảng cá đã giám sát được 985 lượt tàu, khối lượng 710 tấn; 100% tàu cá cập cảng bốc dỡ thủy sản đã nộp nhật ký khai thác thủy sản, tuy nhiên tỉ lệ giám sát sản lượng thủy sản qua cảng của toàn tỉnh còn rất thấp.
Năm 2023, địa phương đã xử lý 72 tàu cá vi phạm, phạt 842 triệu đồng, tịch thu 4 bộ kích điện, đặc biệt xử phạt 18 chủ tàu vi phạm về mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, số tiền 435 triệu đồng.
Bộ đội Biên phòng tỉnh chuyển công an xử lý hình sự 1 vụ/1 đối tượng tàng trữ trái phép chất nổ. Đối với tàu cá vượt ranh giới qua vùng biển nước ngoài đã xác minh được 32/40 lượt, kết quả các tàu cá này chủ yếu di chuyển, trôi dạt qua, không khai thác thủy sản, còn 8 lượt tàu đang xác minh.
Công tác chống khai thác IUU trên địa bàn Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục để chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn thanh tra của EC vào tháng 4 như: Tỉ lệ tàu cá đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản còn thấp, vẫn còn tàu cá 3 không (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm). Tỉ lệ giám sát sản lượng thủy sản qua cảng còn rất thấp; nhật ký khai thác chưa đảm bảo; tình trạng tàu cá vượt ranh giới qua vùng biển nước ngoài, mất kết nối vẫn còn, công tác điều tra, xác minh, xử lý còn hạn chế.
Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho hay, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tàu xuất, nhập bến; lập danh sách tàu cá 3 không, tàu cá có nguy cơ khai thác IUU; giám sát 24/24h hoạt động của tàu cá qua hệ thống giám sát hành trình; mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính từ nay đến tháng 4 tại cảng cá, cửa sông và trên biển, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình, vượt ranh giới trên biển.
Ngoài ra, sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác liên thông theo chuỗi từ tàu cá đến cơ quan, đơn vị quản lý và các cơ sở, doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu.
Tại cuộc họp, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường quản lý tàu cá, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm, kiểm soát tốt việc tàu cá cập cảng; đăng kiểm tàu cá phải thực hiện theo đúng pháp luật.
Đặc biệt, việc cấp phép khai thác thủy sản phải triển khai kịp thời, tàu không có giấy phép tuyệt đối không cho ra biển khai thác; riêng các tàu đánh bắt không hiệu quả (tàu nằm bờ) đề nghị các đơn vị rà soát lại; đồng thời phối hợp kịp thời với các địa phương lân cận để thực hiện quản lý tốt sản lượng khai thác trên địa bàn.
Lưu Hương