Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Thế Phong |
Qua 10 năm triển khai Chương trình, đến nay, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh là 16,02 tiêu chí/xã; có 116 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 58%, đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020 đã đề ra.
Cùng với kết quả trên, đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt 40,5 triệu đồng (tăng 30,3 triệu đồng so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm còn 5,3% (giảm hơn 18,9% so với năm 2010)….
Người dân tham gia thực hiện mục tiêu xây dựng NTM cơ bản đã nhận thức đúng ý nghĩa, bản chất, mục đích của Chương trình, từ chỗ “thụ hưởng, bị động” chuyển dần sang “chủ thể, chủ động”; tư duy về kinh tế thị trường ngày càng rõ nét hơn, ứng xử văn hóa nông thôn gắn kết cộng đồng ngày càng tốt hơn. Người nông dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ghi nhận, đánh giá cao và hài lòng với kết quả thực hiện Chương trình NTM.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, thực tế 10 năm qua cho thấy, cùng với những chuyển biến trên, đến nay hệ thống cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã hoàn thành tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện; nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành trong giai đoạn 2016-2020 đã góp phần rất lớn trong huy động nguồn lực thực hiện Chương trình.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng những nguồn lực được huy động vào Chương trình trong 10 năm qua trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Kết quả đó thể hiện được quan tâm của cả xã hội đối với việc xây dựng nông thôn mới, đã tạo điều kiện để phát triển nhanh hơn đối với khu vực nông thôn. Nợ đọng xây dựng cơ bản đã được các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, cơ bản đã có giải pháp xử lý phù hợp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh còn các hạn chế như nhiều nguồn lực đầu tư cho NTM còn dàn trải, chưa hiệu quả; nguồn đóng góp của cộng đồng còn dân cư chiếm tỷ lệ thấp, vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã còn rất hạn chế (2,6% so với yêu cầu 15%); một số việc trong xây dựng NTM còn hình thức, chạy theo thành tích hoặc đối phó để đạt chỉ tiêu; chênh lệch về hộ nghèo cũng như mức thu nhập giữa các vùng còn lớn; chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, cùng với những hạn chế trên, có một số tồn tại cần phải khắc phục. Trong đó, đáng kể nhất là tư tưởng của một số cán bộ cơ sở và người dân không muốn đạt chuẩn NTM, thích được “nghèo bền vững” để được hưởng các chính sách an sinh xã hội; cách làm NTM ở miền núi thời gian qua chưa có nhiều sáng tạo, đổi mới cho phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể ở địa phương…
Ông Lê Trí Thanh cũng chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung triển khai 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025. toàn tỉnh Quảng Nam sẽ có 160 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 80% số xã đạt chuẩn NTM), trong đó có 64 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 16 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đến năm 2025 tăng ít nhất 1,36 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2025 còn 2,87%; phấn đấu trở thành tỉnh đạt chuẩn NTM trước năm 2035.
Thế Phong