In bài viết

Quảng Nam: "5 không" phòng chống dịch heo tai xanh

(Chinhphu.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, bên cạnh các biện pháp cấp thiết theo tiêu chí “5 không”, cần phải thiết lập ngay các điểm chốt chặn, bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ, hỗ trợ các hộ dân có heo bị tiêu hủy với mức 25.000đ/kg.

05/08/2010 14:39

Người dân và chính quyền tiêu hủy heo tai xanh - Ảnh: Chinhphu.vn

Từ ổ bệnh đầu tiên xuất hiện ở xã Điện Phước (huyện Điện Bàn) đến nay, bệnh heo tai xanh đã bùng phát thành dịch ở hơn 4 huyện với 26 xã trên toàn tỉnh Quảng Nam.

Điện Bàn là huyện đầu tiên và cũng là huyện có thiệt hại nặng nhất: 15 trên tổng số 20 xã của toàn huyện có dịch bùng phát và tái phát với 6.784 con mắc bệnh, trong đó buộc phải tiêu huỷ là 1.754 con, chỉ có 145 con khỏi bệnh.

Để kịp thời khống chế và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn huyện, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Ánh đã có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, xã, thị trấn; lãnh đạo các phòng, ban, ngành có liên quan, các đoàn thể, hội quần chúng tập trung chỉ đạo, áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch trên đàn lợn.

Tại những địa phương đã và đang xảy ra dịch, bên cạnh các biện pháp cấp thiết theo tiêu chí “5 không” (không giấu dịch, không mua lợn bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không vận chuyển lợn bệnh ra khỏi vùng dịch, không vứt bừa bãi xác lợn bệnh ra môi trường), cần phải thiết lập ngay các điểm chốt chặn, bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ, hỗ trợ các hộ dân có heo bị tiêu hủy với mức 25.000đ/kg.

Hầu hết người dân đã ý thức được sự nguy hiểm và tác hại của dịch bệnh, phối hợp với chính quyền kịp thời xử lý, tránh để lây lan. Tuy vậy, vẫn còn một số ít thương lái và hộ dân có heo bệnh vì lợi nhuận vẫn buôn bán, vận chuyển heo ra vào vùng dịch.

Điều này đã gây cản trở không nhỏ trong công tác phòng chống dịch heo tai xanh, là nguyên nhân chính dẫn đến dịch bùng phát trên diện rộng từ nơi này sang nơi khác, việc dập tắt khó đạt được kết quả nhanh chóng.

Địa phương đã thành lập các lực lượng liên ngành (gồm Công an, Quản lý thị trường, Quân sự, Thú y) thiết lập nhiều chốt chặn nhằm siết chặt công tác kiểm soát, kiểm dịch việc vận chuyển. Nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền và nhân dân, tổ điều tra liên ngành đã bắt giữ 5 xe tải chuyên chở trái phép heo ra khỏi vùng dịch mà không có giấy kiểm dịch của Cục Thú y. Tỉnh Quảng Nam đã bị xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm, số heo trên bị đem đi tiêu huỷ toàn bộ.

Ngày 5/8/2010, Sở NNPTNN tỉnh Quảng Nam đã có cuộc họp với chủ tịch, cán bộ thú y các huyện, xã, thị trấn, lãnh đạo các ban ngành liên quan để triển khai một số biện pháp cấp bách nhằm khống chế dịch.

Hồng Hạnh