![]() |
Ảnh: VGP/Thế Phong |
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị định 67, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt danh sách 92 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá và 17 chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67.
Đến nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) tại địa phương đã ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 58 tàu (gồm 23 tàu vỏ gỗ, 2 tàu vỏ composite và 33 tàu vỏ thép) và 1 tàu nâng cấp máy chính, với tổng giá trị cam kết đầu tư cho vay 660 tỷ đồng, đồng thời đã giải ngân 516,4 tỷ đồng.
Hiện đã có 37 tàu cá đóng mới (22 tàu vỏ gỗ, 15 tàu vỏ thép) và 1 tàu nâng cấp máy chính hoàn thành đóng mới, đi vào sản xuất. Còn lại các chủ tàu khác đang chuẩn bị thêm các điều kiện cần thiết để tiếp tục thỏa thuận với các NHTM để ký hợp đồng tín dụng.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến lo lắng về thời gian thực hiện Nghị định 67 chỉ có 2 năm (đến hết tháng 12/2016), nhưng đến nay mới chỉ có 58/92 chủ tàu được vay vốn. Hồ sơ của 34 tàu khác vẫn đang trong quá trình thẩm định của ngân hàng.
Nguyên nhân chậm trễ là do các chủ tàu trong quá trình xây dựng phương án sản xuất, đăng ký phê duyệt vào danh sách đủ điều kiện đóng tàu, nhưng chưa có sự tìm hiểu kỹ về quy cách, cỡ loại tàu thuyền, nghề nghiệp khai thác… nên sau khi được phê duyệt lại tiếp tục xin điều chỉnh phương án, mất nhiều thời gian.
Nhiều chủ tàu tuy đã được phê duyệt, nhưng sau khi tìm hiểu rõ về nội dung của Nghị định 67 lại không tiếp tục thực hiện vì không đủ năng lực tài chính.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành 21 mẫu tàu vỏ thép áp dụng cho toàn quốc, nhưng khi áp dụng cho nhiều địa phương vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, nên khi thi công đóng mới đã nảy sinh nhiều vấn đề, ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, theo phản ánh của ngư dân, việc thẩm định hồ sơ vay vốn của một số NHTM còn chậm, thiếu dứt khoát, ảnh hưởng đến tiến độ vay vốn đóng tàu cũng như việc quyết định có tiếp tục thực hiện hay không của ngư dân.
“Chúng tôi đề nghị các NHTM quan tâm thẩm định hồ sơ của ngư dân. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chuyển tiếp Nghị định 67, để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình bày tỏ.
Ông Trần Quang Hổ, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, vướng mắc phổ biến của ngư dân là còn lúng túng trong lựa chọn chất liệu vỏ tàu và thiết kế tàu, dẫn đến tình trạng thay đổi thiết kế nhiều lần, mất thời gian thẩm định, phê duyệt dự án. Quan trọng là năng lực tài chính của nhiều chủ tàu không đáp ứng được yêu cầu của các NHTM.
Theo ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Nghị định 67 của tỉnh, bên cạnh Agribank đã phê duyệt cho vay 40 tàu theo Nghị định 67, rất mong các NHTM khác tiếp tục nhận hồ sơ đóng tàu, tạo điều kiện cho ngư dân của tỉnh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này.
Thời gian tới, yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương rà soát lại trường hợp chưa được đóng theo Nghị định 67 để UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ hưởng theo Quyết định 47/2016/QĐ-TTg quy định thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới.
Đối với 16 chủ tàu ở huyện Thăng Bình đang trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn đóng tàu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng yêu cầu phải khẩn trương thẩm định. Nếu trường hợp nào khẳng định không đủ điều kiện, cần động viên chủ tàu rút ra, thậm chí chủ động loại ra khỏi danh sách, đồng thời bổ sung vào danh sách chủ tàu khác có đủ điều kiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh kết hợp với ngân hàng thẩm định các hồ sơ, nếu đủ điều kiện làm thủ tục cho vay luôn trong tháng 12 này. Đồng thời, đề nghị các cơ sở đóng tàu quan tâm đến sửa chữa, điều chỉnh tàu cho phù hợp với điều kiện đánh bắt của bà con ngư dân.
Thế Phong