Theo quan sát, những con cá như cá bống, cá chép..., người dân địa phương đánh bắt được trên sông Bàn Thạch đoạn qua xã Tam Phú, Tam Xuân... đều bị ghẻ lở. Ban đầu người dân đưa về nướng thì cá không có mùi thơm đặc trưng và thịt rất dai. Điều đặc biệt là dù nướng rất lâu cá vẫn không có biểu hiện chín hoàn toàn mà vẫn bị “đơ”. Vì vậy, người dân sau khi đánh bắt được những con cá bị ghẻ lở buộc phải vứt đi. Ông N.V.T, trú tại thôn Tân Phú cho biết: trước đây gia đình kiếm sống bằng nghề đánh bắt trên sông Bàn Thạch khu vực đoạn qua xã Tam Phú, trung bình mỗi ngày bán được khoảng 40 đến 50 ngàn đồng. Nay nguồn thủy sản này bị bệnh không rõ nguyên nhân, nên nghề đánh bắt thủy sản bấp bênh, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Được biết, trên đoạn sông dài khoảng chục cây số của sông Bàn Thạch chảy qua thành phố Tam Kỳ có khoảng 500 hộ làm nghề chài lưới, nuôi cá lồng... Theo những người có thâm niên trong làng chài lưới, không hiểu vì sao cứ đến mùa nắng, nước biển dâng lên làm mặn một khúc sông Bàn Thạch thì không xuất hiện tình trạng cá chết. Đến mùa mưa, nước từ nguồn về làm ngọt hóa khúc sông, lại xảy ra tình trạng cá chết và ghẻ lở. Hiện tượng này chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại đây.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Nam Hưng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết: sau khi nhận được tin xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt và ghẻ lở trên sông Bàn Thạch, đích thân tôi đã đi kiểm tra. Tuy nhiên, tại thời điểm đó không thấy xuất hiện hiện tượng này. Ông Trần Nam Hưng cũng cho biết, đã đề nghị phòng chức năng của Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam tiến hành lấy mẫu để xét nghiệm xem mức độ ô nhiễm của dòng sông đến đâu. Đồng thời chỉ đạo Phòng Tài nguyên, Phòng Quản lý đô thị, Ban quản lý công cộng (trực thuộc thành phố Tam Kỳ) tiến hành rà soát, kiểm tra hệ thống đấu nối, cửa cống xả thải ra sông; giao Phòng kinh tế tiến hành kiểm tra, đo đạc... Sau khi có kết quả tổng hợp, UBND thành phố Tam Kỳ sẽ có biện pháp xử lý thích hợp.
Nguyễn Sơn