Hình ảnh nước lũ đang lên ghi nhận sáng nay tại khu vực UBND xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, Quảng Nam.
Ghi nhận tại TP. Đà Nẵng, sáng 28/9, trời quang, mưa tạnh, một số tuyến đường bị ngập nước cục bộ, lực lượng vệ sinh, môi trường tiến hành dọn dẹp cây xanh bị gãy, đổ.
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng cho biết, do ảnh hưởng của bão số 4, đêm qua trên địa bàn Thành phố đã có mưa rất to, gió lớn, giật mạnh; cường độ gió đo được cao nhất từ cấp 9 đến 11.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, tính đến 20h tối 27/9, các đơn vị, địa phương trên địa bàn Thành phố đã sơ tán 21.655 hộ dân tương ứng 75.598 nhân khẩu và 13.681 sinh viên, công nhân đang ở các khu nhà trọ đến nơi trú ẩn an toàn. Tổng số người được sơ tán nhiều hơn 7.500 người so với số liệu thống kê, rà soát trước khi triển khai sơ tán.
Ghi nhận đến sáng nay, theo UBND TP. Đà Nẵng, trên địa bàn Thành phố có 3 nhà dân ở các quận Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ bị tốc mái. Các tàu cá đang neo đậu và ngư dân ở khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang an toàn.
Về sự cố lưới điện, tổng số sự cố lũy kế do ảnh hưởng của bão là 14 vụ (đã khôi phục 04; chưa khôi phục 10). Trong số 173 trạm TBA bị mất điện, hiện đã khôi phục 89 trạm. 75 cây xanh ngã đổ, tập trung các khu vực quận Sơn Trà, Hải Châu, Liên Chiểu...
Sau khi bão số 4 vừa đi qua, các lực lượng công an, quân đội, môi trường TP. Đà Nẵng đã ra quân dọn dẹp môi trường, bảo đảm giao thông sau bão...
Thành phố cũng tổ chức các đoàn kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 4 tại các quận, huyện.
Lưu ý thời tiết đang còn diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu UBND các quận, huyện lưu ý người dân không được chủ quan, không sửa chữa nhà cửa khi chưa thực sự cần thiết, không được đi lại hoặc đánh bắt trên biển, sông, suối, hồ, đập, vùng trũng thấp, ngập lụt, sạt lở… và không thực hiện các hoạt động chưa cần thiết khác để tránh các tai nạn, sự cố đáng tiếc xảy ra.
Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng cùng với người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, cây xanh ngã đổ - Ảnh: VGP/Thế Phong
Tại Quảng Nam, đến 5h sáng 28/9, có 1 nhà /17 khẩu ở xã Tam Phú , TP. Tam Kỳ bị tốc mái hoàn toàn; Trường THCS Nguyễn Thanh Hãn, huyện Duy Xuyên bị tốc mái, hư hỏng nặng; nhà chỉ huy, nhà ở cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 276 (Cù lao Chàm) bị tốc mái hơn 50%, cây cối ngã đổ hơn 70%, sập hệ thống chuồng trại, tăng gia, vỡ kính sảnh trước nhà chỉ huy.
Đối với tàu thuyền, chìm 1 ghe tại xã Tam Giang, huyện Núi Thành, 4 tàu vận tải và 1 tàu câu mực neo đậu tại phao luồng số 19 cảng Kỳ Hà bị rê neo và mắc cạn tại khu vực luồng phao số 17 gần xã đảo Tam Hải.
Một số tuyến đường khu vực miền núi bị sạt lở, hư hỏng, toàn tỉnh có 3.997 trạm biến áp bị mất điện chưa khôi phục, có 437.934 khách hàng bị mất điện.
Khu dân cư đường số 1 thôn Agrong, xã Atiêng; thôn A Zứt, xã Bhlêê, thôn Ahu, xã Atiêng, huyện Tây Giang ngập sâu từ 0,5-1 m, nhiều tài sản của người dân bị hư hại.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tại trên địa bàn còn mưa to, gió mạnh, nước sông, suối dâng cao nên chưa thể kiểm tra thiệt hại trên địa bàn. Địa phương sẽ cập nhật số liệu và báo cáo thiệt hại.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản cho phép người dân lưu thông trở lại từ 6h ngày 28/9. UBND tỉnh cũng thành lập các đoàn kiểm tra do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, lãnh đạo các sở, ngành dẫn đầu đi kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 4 tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật tình hình mưa lũ và công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại miền Trung.
Thế Phong