Dự án hoàn thiện đường ven biển Võ Chí Công có vốn đầu tư 190 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân 1,7% - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam Nguyễn Quang Thử cho biết, tổng vốn đầu tư công trên địa bàn Quảng Nam năm 2022 là 7.275 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn năm 2022 là hơn 6.861 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài 413,2 tỷ đồng.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước tỉnh, đến ngày 31/8, tổng vốn đầu tư công năm 2022 giải ngân hơn 2.534 tỷ đồng, đạt 40,4% kế hoạch vốn từ đầu năm và đạt 34,8% so với kế hoạch vốn bổ sung (nguồn vốn bổ sung khoảng 900 tỷ đồng của 3 chương trình mục tiêu quốc gia).
Trong đó, kế hoạch vốn năm 2022 giải ngân đạt 40,9% so với kế hoạch và đạt 34,9% so kế hoạch vốn bổ sung; kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài cũng mới giải ngân được 33,2%. Như vậy, tỉnh Quảng Nam có tỉ lệ giải ngân thấp hơn so với bình quân chung của cả nước (35,49%).
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa đạt yêu cầu đề ra về khách quan là do diễn biến dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm, ảnh hưởng của mưa, vướng giải phóng mặt bằng, cùng với đó là giá nguyên liệu vật liệu xây dựng tăng cao, thiếu mỏ đá, đất làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Về chủ quan, công tác tổ chức thực hiện ở các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt, sâu sát. Công tác chuẩn bị thủ tục dự án mới chậm, chất lượng hồ sơ chưa tốt nên gặp vướng khi triển khai. Công tác thẩm định, tư vấn còn chậm. Thủ tục đầu tư, thanh quyết toán chưa được tập trung giải quyết. Một số chủ đầu tư, nhà đầu tư còn yếu về năng lực…
Sở KH&ĐT cũng cho biết, có nhiều địa phương chưa thực sự tập trung quyết liệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Theo báo cáo, đến hết tháng 8, huyện Núi Thành mới giải ngân được 20,6%, Hội An 24,7%, Bắc Trà My 34%... Trong khi đó, hàng loạt dự án nguồn vốn lớn do các ban quản lý tỉnh làm chủ đầu tư cũng có tỉ lệ giải ngân rất thấp.
Cụ thể, có 7 dự án có tỉ lệ giải ngân 0% gồm: Đường biên giới nối từ xã Chơn Chun, huyện Nam Giang đến xã Ga Ri và A Xan, huyện Tây Giang (giai đoạn 2); bảo vệ phát triển rừng tỉnh Quảng Nam đến năm 2020; nâng cấp, mở rộng nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng; mở rộng khu neo đậu tàu thuyền và kết hợp xây dựng cảng cá Hồng Triều; chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển xã Tam Hải; liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam; nâng cao năng lực y tế tỉnh Quảng Nam.
Các dự án khác có tỉ lệ giải ngân rất thấp: Điểm định cư tập trung thôn 3, xã Trà Leng mới giải ngân được 1%; khu tái định cư di dời khẩn cấp vùng sạt lở xã Quế Xuân 1, Quế Phú, Hương An giải ngân 1,1%; hoàn thiện đường ven biển Võ Chí Công giải ngân 1,7%; nâng cấp Bệnh viện Nhi thành Bệnh viện Sản-Nhi giải ngân 2%; đường trục chính vào KCN Tam Thăng mở rộng giải ngân 2,6%...
Đại diện lãnh đạo UBND TP. Hội An cho biết, kế hoạch vốn năm 2022 của thành phố là hơn 387 tỷ đồng, hiện mới giải ngân được 24,7% là do gặp vướng mắc chung về công tác giải phóng mặt bằng, quy trình thực hiện các dự án. Trong đó dự án phòng cháy, chữa cháy khu phố cổ (tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương) đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện trình phê duyệt.
"Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bắc Trà My thấp là do thời gian lập và phê duyệt hồ sơ dự án kéo dài, nhất là dự án trình các bước qua tỉnh. Các dự án phòng chống sạt lở gặp vướng mắc kéo dài trong bồi thường giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân", ông Trần Toại, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho hay.
Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó với biên đổi khí hậu TP. Hội An giải ngân đạt thấp - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Ông Trần Cảnh Hà, Phó trưởng Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, năm nay tổng nguồn vốn được giao khoảng 1545 tỷ đồng, đến nay giải ngân đạt 34%. Trong đó dự án vốn ngân sách như hoàn thiện đường ven biển Võ Chí Công 190 tỷ đồng, hiện mới giải ngân 1,7% là do thủ tục thẩm định phê duyệt kéo dài.
Đối với các dự án vốn ODA, như liên kết vùng miền Trung; phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Hội An; dự án CRIEM… cũng mất nhiều thời gian chờ ý kiến xem xét của các bên liên quan và nhà tài trợ.
Tại cuộc họp về giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới đây, ông Phạm Văn Phong, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam cho biết, có rất nhiều dự án được bố trí vốn ngay từ đầu năm, nhưng đến nay tiến độ giải ngân 0%. Kho bạc Nhà nước sẽ cung cấp thông tin cụ thể các dự án này để UBND tỉnh có phương án chỉ đạo, cắt giảm, điều chuyển vốn cho các dự án khác, địa phương khác làm tốt hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang thừa nhận, tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh là quá chậm, không đảm bảo yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Nhiều công trình, dự án vốn lớn triển khai chậm, tỉ lệ giải ngân rất thấp.
"Nguồn vốn tồn động tại 3 ban quản lý (Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh và Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT) rất lớn. Các dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà, nạo vét sông Cổ Cò, tuyến DT608, đường Tam Thăng… khối lượng còn rất nhiều và có khả năng hấp thụ không hết trong năm nay vì sắp đến mùa mưa bão", ông Nguyễn Hồng Quang cho hay.
Để hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu từ nay cho đến ngày 31/12, các ngành, địa phương, chủ đầu tư quyết liệt hơn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Chủ động kiểm tra, rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, đôn đốc khối lượng giải ngân và quyết toán dự án đã hoàn thành, không để chậm trễ. Tiếp tục rà soát các dự án giải ngân thấp sẽ kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn cho dự án khác.
Đối với những công trình tỉ lệ giải ngân 0%, ông Nguyễn Hồng Quang yêu cầu chủ đầu tư phải báo cáo giải trình lý do và hướng xử lý từ nay cho đến cuối năm, không thể trả lại vốn, nhất là nguồn vốn Trung ương, vốn ODA. Đặc biệt là nguồn vốn năm 2021 kéo dài thực hiện đến 31/12, các đơn vị, địa phương nào không hoàn thành giải ngân là phải chịu trách nhiệm.
Nhật Anh