Đó là nhận xét của đại diện Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) tại hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức mới đây.
Theo đó, Quảng Nam sở hữu nhiều tài nguyên có giá trị rất cao, độc đáo, tạo nên lợi thế vượt trội so với các địa phương khác, từ đó giữ vai trò là nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Bên cạnh hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối với các tỉnh/thành phố trong khu vực cũng như các nước, nhiều hạ tầng chiến lược được quy tụ tại Khu kinh tế mở Chu Lai là điều kiện thuận lợi cho khu kinh tế này trở thành "trạm trung chuyển quốc tế", trở thành đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đi các nước trên thế giới.
Quy mô và cơ cấu kinh tế Quảng Nam đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành tỉnh có tiềm lực kinh tế, thị trường thu hút các dự án đầu tư và đóng góp cho ngân sách trung ương. Quảng Nam cũng đã hình thành tiềm lực công nghiệp vượt trội so với nhiều tỉnh trong vùng và cả nước, có sự đa dạng về các ngành công nghiệp và sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ.
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển toàn diện văn minh, hiện đại, mọi người dân thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả của xã hội Việt Nam, với các mục tiêu cụ thể sau: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 dự báo đạt 9,3%/năm, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 đạt bình quân 8,30%/năm và giai đoạn 2026 – 2030 đạt 10,25%/năm; tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 195,2 triệu đồng/người (tương đương 7.690 USD); chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến năm 2030: Nông, lâm và thủy sản chiếm 9,9%; Công nghiệp - xây dựng chiếm 36,2%; Dịch vụ chiếm 34,4%...
Theo phương án phát triển ngành công nghiệp được tỉnh này trình tại hội thảo, Quảng Nam sẽ tập trung, ưu tiên phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí trong một số lĩnh vực máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp. Phát triển khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải tại Khu công nghiệp Tam Hiệp, Tam Anh có quy mô ngang tầm khu vực. Đặc biệt, hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, có thế mạnh của tỉnh và lan tỏa cho cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bao gồm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp, như dệt may, da giày, hóa chất, nông nghiệp công nghệ cao… đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỉ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhìn nhận: "Những nỗ lực trong tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp là ưu điểm vượt trội của Quảng Nam, thu hút nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước và tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới".
Ông Lê Trí Thanh cho biết thêm, cuối năm nay tỉnh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đồ án quy hoạch hoàn chỉnh, trước khi trình sẽ có hội thảo cuối kỳ và dự kiến trong quý I/2023, đồ án quy hoạch tỉnh được thông qua để làm căn cứ thực hiện.
NT