Ảnh minh họa |
Tỉnh Quảng Nam đặt chỉ tiêu đến năm 2015 bình quân hằng năm trồng và khai thác khoảng 12.500 ha rừng, cung cấp đủ gỗ và lâm sản phục vụ chế biến và nhu cầu của người dân; công tác khoán bảo vệ rừng thực hiện bình quân 169.300ha/năm; khoanh nuôi tái sinh rừng đạt 31.100ha/năm; nuôi dưỡng rừng 85ha/năm...
Đồng thời nâng cao giá trị của gỗ rừng trồng thông qua việc thực hiện các tiêu chí của quản lý rừng bền vững (FSC) và công nghiệp chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất phục vụ xuất khẩu; thông qua các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, tạo thêm việc làm cho người dân; góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu, trong đó diện tích rừng hiện do UBND cấp xã đang quản lý được giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, trong đó ưu tiên giao cho các cộng đồng dân cư bản địa có nhu cầu và những nơi có điều kiện quản lý bảo vệ rừng.
Tỉnh Quảng Nam sẽ giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để quản lý, sử dụng bền vững. Thiết lập hệ thống quản lý rừng đến từng tiểu khu rừng.
Đối với các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng có diện tích từ 15.000 ha trở lên, thành lập các Hạt kiểm lâm thuộc Ban Quản lý để tăng cường khả năng bảo vệ rừng. Các xã có đất lâm nghiệp từ 1.000 ha trở lên sẽ có cán bộ chuyên trách lâm nghiệp xã, phụ trách khuyến lâm kiêm nhiệm.
Tỉnh Quảng Nam cũng tăng cường hỗ trợ về nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ rừng ở cộng đồng thôn, làng; xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và có phương án ứng cứu khi cần thiết.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, diện tích che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh có sự gia tăng đáng kể, từ 42,9% năm 2007 lên 48,6% năm 2012.
Thùy Dung