Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng phần phía bắc của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua khu vực Nam Trung Bộ kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao; nên từ đêm 13/10 đến ngày 16/10 các địa phương trong tỉnh khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa ở vùng núi phía tây bắc của tỉnh phổ biến từ 150-250 mm, vùng đồng bằng ven biển, trung du, và vùng núi phía tây nam phổ biến từ 200-400 mm, có nơi trên 450 mm.
Căn cứ Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn; căn cứ mực nước trên lưu vực sông, căn cứ mực nước các hồ thủy điện lúc 4h ngày 12/10 (Sông Bung 2: 599,44 m; Sông Bung 4: 219,61 m; A Vương: 376,87 m, Đak Mi 4: 257,89 m), Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Đak Mi, Công ty Thủy điện Sông Bung, Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương tổ chức vận hành tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước các hồ chứa thủy điện Đak Mi 4, Sông Bung 4 về cao trình mực nước cao nhất trước lũ trước 20h30' ngày 13/10. Thời điểm bắt đầu vận hành từ 8h30' ngày 12/10.
Theo đó, hồ thủy điện Đak Mi 4 vận hành với mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm từ 200 đến 300 m3/s; hồ thủy điện Sông Bung 4 vận hành với mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm từ 200 đến 300 m3/s. Chuyển chế độ vận hành theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 8 Quy trình 1865.
Tổ chức vận hành tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước hồ chứa thủy điện A Vương về cao trình mực nước cao nhất trước lũ trước 10h ngày 13/10. Thời điểm bắt đầu vận hành từ 10h ngày 12/10. Mức lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm từ 50 đến 150 m3/s. Chuyển chế độ vận hành theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 8 Quy trình 1865.
Tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ thủy điện Sông Bung 2 không vượt cao trình mực nước cao nhất trước lũ. Chuyển chế độ vận hành theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 8 Quy trình 1865.
Việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du hồ chứa. Tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.
Để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du sông Vu Gia, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương: Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang, Đại Lộc, Điện Bàn tiếp tục thực hiện các nội dung đảm bảo an toàn về người, tài sản, các hoạt động trên sông, ven sông khi các thủy điện vận hành điều tiết.
Ông Trương Xuân Tý, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, đợt mưa lớn trên diện rộng từ chiều tối ngày 9/10 đến sáng ngày 11/10 làm mực nước tại các trạm thủy văn trên các sông đạt đỉnh ở mức từ trên báo động 2 đến trên báo động 3 đã gây ngập lụt, ngập úng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và thiệt hại về người, tài sản, đời sống của nhân dân.
Thống kê ban đầu, trên địa bàn tỉnh đã có 2 người chết (Đoàn Văn Hương, sinh năm 1968, trú tại phường Hòa Thuận, TP. Tam Kỳ, bị chết do bị nước lũ cuốn trôi khi nhảy cứu một học sinh lớp 9 bị lũ cuốn trôi vào ngày 10/10, học sinh này đã được cứu sống; Lương Thị Mỹ Linh, sinh năm 1985, trú tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, bị chết do nước cuốn trôi ngày 10/10) và 1 người mất tích là Hồ Thị Dâu, sinh năm 1994, trú tại làng Tak Leng, Thôn 1, xã Trà Cang, bị nước cuốn trôi khi đi qua sông nước Na.
Ngoài ra có 23 nhà bị hư hỏng, sạt lở, đất tràn vào nhà, 11 điểm giao thông, 2.860 m đường, 3.368 m3 đất bị sạt lở, bồi lấp và nhiều thiệt hại về nông nghiệp…
Thế Phong