Vừa qua, TP. Hội An lần đầu tiên ra mắt mô hình "Khách sạn không rác thải nhựa" tại Silk Sense Hoi An River Resort. Đây là một trong 11 doanh nghiệp đạt các tiêu chí trong Bộ tiêu chí du lịch xanh tỉnh Quảng Nam.
Với định hướng phát triển bền vững, Silk Sense Hoi An River Resort đã theo đuổi "Hành trình bảo vệ môi trường" từ ngày đầu xây dựng, bằng cách sử dụng những vật liệu thân thiện môi trường, như dùng gạch không nung khí chưng áp để xây dựng toàn bộ công trình.
Ngoài ra, doanh nghiệp sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm biến tần và làm ra nước nóng. Từ hồ bơi muối khoáng, chai nước, vườn rau hữu cơ hỗ trợ sức khỏe du khách; những vật dụng cá nhân nhỏ nhất trong từng căn phòng cũng chỉ sử dụng các thiết bị thân thiện với môi trường... đảm bảo không gây ảnh hưởng môi trường và rộng hơn là tầng ozone.
Bên cạnh mật độ xây dựng 30%, doanh nghiệp còn sử dụng 4.000 m2 đất để trồng rau hữu cơ và tạo ra chương trình trải nghiệm cho du khách.
Ông Trần Thái Do, chủ đầu tư Silk Sense Resort cho biết: "Chúng tôi không chỉ là kinh doanh, mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội trong việc gìn giữ môi trường sống, góp phần phát triển kinh tế địa phương và chung tay quảng bá những nét đẹp Hội An đến với du khách, tạo nên thương hiệu xanh cho ngành du lịch Việt Nam".
Du lịch xanh, bền vững là xu thế
Hiện nay, mô hình du lịch xanh gắn với trách nhiệm cộng đồng đang được các doanh nghiệp Quảng Nam tích cực chuyển đổi.
Một số điểm đến, như tại làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú và Triêm Tây (Điện Bàn) đã bước đầu khai thác tour du lịch thực hành lối sống bền vững với thời gian khá dài 4-5 ngày. Đây là sản phẩm mới và đang dần được lựa chọn nhiều hơn.
Ngoài chuyên đề về môi trường, nhiều nơi tại Quảng Nam đang sở hữu dư địa để khai mở các tour du lịch chuyên đề, như văn hóa tâm linh ở phố cổ Hội An, hay du lịch sâm Ngọc Linh ở huyện miền núi Nam Trà My.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, địa phương có nhiều chương trình hay, như chinh phục đỉnh Ngọc Linh huyền thoại, khám phá rừng thông cổ hàng nghìn năm tuổi, hay công viên dây leo cổ đại, thăm bảo tàng sâm Ngọc Linh, thăm vườn sâm giống Tắk Ngo, gặp gỡ người dân tại làng trồng sâm. Du khách có thể trải nghiệm du lịch với dược liệu cùng người dân.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đánh giá, du lịch xanh-bền vững là sự lựa chọn của rất nhiều khách du lịch, nhất là khách từ các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản… Đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng tới kinh tế và cuộc sống mọi người trên thế giới và làm thay đổi hành vi đi du lịch của phần lớn du khách khi hướng tới việc bảo vệ môi trường, thiên nhiên và văn hóa địa phương.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay, du lịch bền vững là xu hướng tất yếu từ khi du lịch dần khôi phục và phát triển trở lại. Do vậy, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam đã thay đổi phương pháp quản trị, hướng tới thúc đẩy sự tử tế trong kinh doanh dịch vụ, chia sẻ trách nhiệm với môi trường, tái tạo tài nguyên và lợi ích cộng đồng để thiết lập con đường phát triển bền vững.
Cộng đồng doanh nghiệp du lịch Quảng Nam đã chọn mục tiêu theo từng giai đoạn, từ "du lịch không rác thải nhựa", đến "xây dựng sản phẩm sáng tạo trên nền tảng văn hóa-giá trị truyền thống", nền tảng nông nghiệp thuận nhiên và đến du lịch chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và "dấu chân sinh thái".
Nhiều doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam đã ổn định doanh số, giữ khách quay trở lại thông qua "hành động xanh" trong cung cấp dịch vụ du lịch, như tuần hoàn rác hữu cơ, sử dụng vật liệu thân thiện, tiết giảm sản phẩm nhựa và một số vật dụng, tổ chức hoạt động trồng trọt và bảo vệ môi trường, giới thiệu trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống-nghề thủ công và chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng…
Một cơ sở lưu trú ở Hội An cho biết, thông qua những hoạt động này đã tiết kiệm được 20% chi phí điện năng, tiết giảm 1/3 khối lượng rác thải ra môi trường và hiện nay tỉ lệ có khách sử dụng phòng từ 90% trở lên.
"Những dấu ấn du lịch xanh của Quảng Nam đã bắt đầu hiện rõ trên những bước chân đi của những doanh nghiệp du lịch. Năng lượng và động lực cho hành trình dài hơi, bền vững tiếp bước cho du lịch xanh cũng đến từ sự khích lệ, cơ chế chính sách thông thoáng, sự đồng hành từ nhà chức trách, đối tác và sự chia sẻ từ cộng đồng", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chia sẻ.
Lưu Hương