Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi, động viên người dân vùng "rốn lũ" Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh VGP. |
Rời huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, trưa nay (6/11), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã tới xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra công tác ứng phó mưa lũ.
Ân cần hỏi thăm bà con tại nơi sơ tán phòng tránh lũ ở xóm Nhất Đông, thôn Tân Phước, xã Bình Minh, Phó Thủ tướng mong bà con không được chủ quan rời nơi tránh lũ về nhà khi còn nguy hiểm...
Phó Thủ tướng cũng lưu ý chính quyền địa phương triển khai kịp thời công tác hỗ trợ, bảo đảm lương thực, nước uống, hỗ trợ thuốc men, phòng chống dịch bệnh... cho người dân.
Trước mắt phải theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ để có giải pháp ứng phó kịp thời; tiếp đến, khi lũ rút đến đâu phải khẩn trương triển khai các giải pháp vệ sinh môi trường, nguồn nước, giúp dân dọn dẹp nhà cửa... ổn định cuộc sống.
Lực lượng quân đội, công an Quảng Ngãi đưa người già, trẻ em đến nơi an toàn. |
Ông Lê Trường Lưu thị sát việc vận hành mực nước hồ Tả Trạch. Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế |
Sáng 6/11, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đã đến kiểm tra tình hình điều tiết, xả lũ tại hồ chứa nước Tả Trạch.
Ban quản lý hồ Tả Trạch cho biết đây là năm đầu tiên hồ đón trận lũ lớn nhất từ trước đến nay, nên để đảm bảo an toàn công trình, theo chỉ đạo của tỉnh, những ngày tới phải điều tiết lượng nước đi bằng lượng nước đến để đưa về ngang bằng MNDBT. Khi mực nước đạt MNDBT thì sẽ tiếp tục giảm lưu lượng xả nhằm đảm bảo mực nước vùng hạ du sông Hương và thành phố Huế giảm nhanh, sau đó thực hiện điều tiết theo quy trình.
Sau khi kiểm tra phương án điều tiết, xả lũ và các hạng mục công trình hồ Tả Trạch, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu các ban ngành liên quan tiếp tục theo dõi thời tiết, có phương án xả lũ hợp lý, đảm bảo quy trình vận hành liên hồ chứa theo quy định và chỉ đạo của tỉnh.
Tại huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế), sạt lở núi lại tiếp tục gây chia cắt trên tuyến QL 49A tại km 55 thuộc địa phận xã Hồng Hạ và khu vực đèo A Co của huyện A Lưới.Sạt lở núi gây chia cắt trên tuyến QL49 tại huyện A Lưới. Ảnh: Báo Thừa Thiên-Huế |
Phó Thủ tướng động viên anh Trần Ngọc Quỳnh, người có con gái vừa thiệt mạng do nhà bị đất đá sạt lở vùi lấp. Ảnh VGP |
Gần trưa ngày 6/11, đến huyện Bắc Trà My, thăm hỏi đồng bào tại nơi sơ tán (Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Bắc Trà My), thay mặt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ khó khăn với bà con. Ông lưu ý bà con cần tuyệt đối tuân thủ yêu cầu, hướng dẫn của lực lượng chức năng; không tự ý quay trở lại nhà khi còn nguy hiểm...
Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của địa phương, đồng thời yêu cầu phải nhanh chóng sơ tán, di chuyển người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; thực hiện tốt công việc hỗ trợ bà con, không để người dân bị đói, bị rét...
Đến trưa nay (6/11), lực lượng công an, quân đội vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị sạt lở đất vùi lấp ở huyện Bắc Trà My. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Tại Thừa Thiên-Huế, sáng nay (6/11), mực nước trên các sông đang xuống chậm và dao động ở mức rất cao. Công tác khắc phục hậu quả cũng đã được tiến hành ngay.
Hiện nay, Điện lực Thừa Thiên-Huế đang nỗ lực khắc phục sự cố để tiếp tục cấp điện trở lại, đặc biệt đã khôi phục được tuyến đường dây 22 kV cấp điện cho hồ Tả Trạch phục vụ công tác điều tiết lũ qua hồ và Nhà máy nước Vạn Niên và công tác chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai của lãnh đạo tỉnh.
Tại Thừa Thiên-Huế, do có mưa đến mức đặc biệt to (lượng mưa từ 200-630 mm từ ngày 3/11), nước đổ về gây lũ lớn trên các sông. Do nguy cơ ngập sâu có thể xảy ra, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn.Báo Thừa Thiên-Huế thông tin đến 19h ngày 5/11, TP. Huế đã di dời 668 hộ/ 2.022 khẩu; đến 20h55 cùng ngày, huyện Phú Vang di dời 173 hộ/638 nhân khẩu. Còn theo kế hoạch chung, toàn tỉnh sẽ có thể phải di dời 26.877 hộ/10.607 khẩu; huyện Phú Lộc di dời 235 hộ dân…
Phó Thủ tướng động viên người dân Bắc Trà My trong hoàn cảnh khó khăn do thiên tai. Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đến Bắc Trà My (Quảng Nam), nơi xảy ra các vụ sạt lờ núi, gây chết người để kiểm tra thực tế, thăm hỏi động viên người dân, chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ, ứng phó mưa lũ.
Thăm hỏi đồng bào tại nơi sơ tán (Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Bắc Trà My), thay mặt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ khó khăn với bà con. Ông lưu ý bà con cần tuyệt đối tuân thủ yêu cầu, hướng dẫn của lực lượng chức năng; không tự ý quay trở lại nhà khi còn nguy hiểm...
Hộ An sơ tán du khách và người dân. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Tối 5/11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát công điện khẩn yêu cầu các địa phương, ban ngành tích cực triển khai các biện pháp phòng chống khi mực nước có thể xấp xỉ đỉnh lũ năm 2009 do lũ dâng cao vượt mức báo động 3, mưa trên diện rộng với tổng lượng mưa từ 200 – 300 mm.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương di dời, sơ tán dân ở vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất triệt để đến nơi an toàn trước 22 giờ ngày 5/11; cho học sinh nghỉ học ngày 6/11; lực lượng quân đội, công an chủ động triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân kịp thời, giúp các địa phương sơ tán dân.
Tại Quảng Nam, đến chiều tối ngày 5/11, tình hình mưa lũ cũng đang diễn biến rất phức tạp.
Các địa phương vùng nguy cơ ngập úng đã tổ chức di dời nhân dân đến nơi an toàn. Học sinh toàn tỉnh nghỉ học ngày 6/11.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Duy Xuyên đã di dời 577 hộ dân/1.109 hộ (trước 24 giờ đêm 5/11). Các huyện Tam Kỳ, Hiệp Đức, Điện Bàn, Phú Ninh… cũng thực hiện sơ tán dân ngay trong đêm 5/11.
Tại Hội An, đến khoảng 20h ngày 5/11, Thành phố cơ bản hoàn tất di dời người dân, du khách đến nơi an toàn (có thực hiện cả việc di dời tại chỗ). Cụ thể: Phường Cửa Đại di dời 40 hộ dân, phường Cẩm Nam dời 30 hộ, xã Cẩm Kim 15, phường Cẩm Châu di dời tại chỗ 10 hộ, phường Cẩm Phô 112 hộ…
Các công nhân được đưa đến nới an toàn. Ảnh: Báo Quảng Nam |
Cũng tại Hội An, đến 19h20 phút tối 5/11, hơn 131 công nhân đang thi công dự án Công viên Ấn tượng Hội An trên cồn nổi Gami (trên sông Thu Bồn) bị nước lũ bao vây đã được các lực lượng cứu nạn đưa vào nơi an toàn.
Về vụ sạt đất ở huyện Bắc Trà My, theo báo cáo của UBND huyện, mưa lớn khiến đất đá đổ xuống nhà người dân thị trấn Trà My và xã Trà Nú, khiến 2 người thiệt mạng, 4 người mất tích.
Thanh Xuân