Trong những ngày qua, tại các địa phương của tỉnh Quảng Nam đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa kéo dài làm cho độ ẩm đất một số khu vực trên địa bàn tỉnh đạt trạng thái bão hòa.
Nguy cơ xảy ra sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các huyện Bắc Trà My, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Tiên Phước.
UBND huyện Bắc Trà My cho biết, hôm nay (6/11), các lực lượng chức năng tại địa phương đã tổ chức sơ tán 49 hộ/150 nhân khẩu tại các xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ka và thị trấn Trà My sinh sống tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao và rất cao.
Công tác sơ tán dân 49 hộ dân hoàn thành trước 17h ngày 6/11; các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục rà soát các khu vực nguy cơ cao để triển khai sơ tán, bảo đảm an toàn cho người dân cho đến khi kết thúc đợt mưa.
Trước đó, tại huyện Duy Xuyên, lốc xoáy, gió giật mạnh vào chiều 5/11 đã làm tốc mái, hư hỏng hàng chục căn nhà; nhiều diện tích cây xanh bị nghiêng, ngã đỗ trên các tuyến đường giao thông thị trấn Nam Phước; một số tuyến đường điện, mạng viễn thông của hộ dân bị đứt.
Ông Trường Xuân Tý, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, chiều 6/11, Công ty Cổ phần thủy điện Đăk Mi có thông báo vận hành điều tiết hạ mực nước đón lũ hồ Đăk Mi 4 theo quy trình vận hành liên hồ trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn. Theo đó, từ 19h ngày 6/11, hồ Đăk Mi 4 sẽ bắt đầu điều tiết qua tràn từ 50-700 m3/s.
Chủ động ứng phó bão YinXing
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa ban hành công điện chủ động ứng phó bão YinXing, một cơn bão rất mạnh, đang hoạt động trên vùng biển phía đông bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166 km/h), giật cấp 17. Di chuyển theo hướng tây, tốc độ khoảng 10 km/h về khu vực bắc Biển Đông.
Để chủ động ứng phó bão, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo bão, thời tiết nguy hiểm trên biển; tổ chức kiểm đếm, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển được biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền. Chủ động tổ chức công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền (bao gồm ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ, tàu du lịch...), các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển.
Thế Phong