UBND tỉnh Quảng Ngãi cho hay, do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài trong thời gian qua, từ 15-17/10; 30/10-1/11 và nhất là đợt mưa, lũ từ 13-16/11, trên địa bàn tỉnh đã có mưa rất to, lượng mưa đo được một số trạm như: Ba Điền 1.009 mm, Sơn Long 836 mm, Ba Xa 760 mm, Sơn Kỳ 761 mm, Sơn Tân 732 mm… Lũ các sông lên nhanh, gây sạt lở núi, bờ sông, hư hỏng tại nhiều vị trí công trình, nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của người dân và các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trong khu vực.
Trước thực trạng mưa lũ gây sạt lở núi, bờ sông làm hư hỏng công trình, đe dọa tính mạng và tài sản nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố tình huống khẩn cấp tại 9 khu vực sạt lở núi, bờ sông, các công trình hạ tầng giao thông do mưa lũ gây ra, bao gồm:
Điểm sạt lở núi Van Cà Vãi (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà), một phần taluy dương đã bị trượt, sạt lở gây nguy hiểm đến 05 hộ, 24 khẩu đang sinh sống tại chân núi, đồng thời nguy cơ sạt lở và trôi đất, đá vùi lấp mặt đường gây ách tắc giao thông tuyến đường ĐH77 (thị trấn Di Lăng đi Sơn Bao).
Cầu Nước Lố, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà, thuộc tuyến đường ĐH77, do mưa lũ làm hư hỏng hoàn toàn tường cánh phía hạ lưu, sạt lở sâu vào nền đường, gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm cho người dân khi lưu thông trên tuyến.
Tuyến ĐH77 đi hướng hồ chứa nước Nước Trong (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà), sạt lở taluy dương, chiều dài sạt lở khoảng 75m với khối lượng đất sạt lở khoảng 2.000m3 và có nguy cơ tiếp tục sạt lở, gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm khi lưu thông.
Tuyến đường UBND xã Sơn Bao đi thôn Nước Bao (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà), sạt lở taluy âm với chiều dài khoảng 200m, sâu từ 8m đến 12m, đất nền dưới mặt đường bị xói trôi, gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng, các phương tiện không lưu thông được. Đây cũng là tuyến đường duy nhất để đi vào thôn Nước Bao và thôn Mang Nà, xã Sơn Bao, nơi sinh sống của hơn 280 hộ, 1.100 nhân khẩu.
Bờ sông Liên Chiểu, đoạn qua thôn Kim Giao, xã Phổ Thuận, thị xã Đức Phổ, do mưa lũ trong nhiều năm qua, bờ sông đã bị sạt lở và tiếp tục gia tăng mức độ sạt lở với chiều dài khoảng 800m, ảnh hưởng, đe dọa trực tiếp đến an toàn của 160 hộ dân trong khu vực.
Bờ sông Trà Bồng, đoạn qua xã Bình Chương, Bình Minh, Bình Dương (huyện Bình Sơn), bờ sông bị sạt lở và đang tiếp tục gia tăng mức độ; tại xã Bình Minh sạt lở chiều dài 1.800m; tại xã Bình Chương sạt lở chiều dài khoảng 6.000m, ảnh hưởng trực tiếp đến 131 hộ/486 khẩu và tại xã Bình Dương sạt lở chiều dài 250m tại thôn Mỹ Huệ 3, ảnh hưởng trực tiếp đến 35 hộ/110 khẩu đang sinh sống dọc bờ sông.
Bờ sông Liên, đoạn qua xã Ba Thành (huyện Ba Tơ), trong đợt mưa lũ vừa qua đã làm bờ sông gia tăng mức độ sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến 34 hộ dân, trung tâm hành chính xã, sân vận động và khoảng 9ha đất sản xuất của người dân.
Nguy cơ sạt lở khu dân cư Đăk Dép (xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây). Tại vị trí này có dòng chảy ngầm thường xuyên cuốn trôi đất đá, tràn xuống đường và ảnh hưởng trực tiếp, nguy cơ đe dọa đến an toàn của 19 hộ, 79 nhân khẩu sinh sống dưới taluy âm, địa phương phải thường xuyên sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn khi có mưa lớn xảy ra.
Bờ sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, do mưa lũ trong nhiều năm qua đã làm gia tăng mức độ sạt lở với chiều dài khoảng 500m, đe dọa trực tiếp đến an toàn của 6 hộ dân đang sinh sống dọc bờ sông.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, trước tình huống thiên tai xảy ra tại các khu vực trên, đối chiếu theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 66/2021/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Bình Sơn, Ba Tơ, Sơn Tịnh và thị xã Đức Phổ thường xuyên theo dõi diễn biến mưa, lũ; kịp thời tổ chức sơ tán ngay các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở, chia cắt, cô lập đến nơi an toàn.
Bố trí đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân tại nơi sơ tán theo phương châm "4 tại chỗ"; tăng cường thông tin để người dân biết về nguy cơ diễn biến mưa lũ, sạt lở đất chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.
Cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các khu vực bị sạt lở, các tuyến đường, công trình bị hư hỏng đảm bảo an toàn.
Huy động lực lượng, phương tiện, tổ chức xử lý tạm thời các điểm sạt lở, hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân; đảm bảo lưu thông, nhất là các tình huống sơ cấp cứu và cứu hộ, cứu nạn.
"Thời điểm kết thúc, xử lý ứng phó tình huống là khi địa phương thực hiện hoàn thành các biện pháp xử lý sạt lở, hư hỏng đảm bảo an toàn; các địa phương trên phải chịu trách nhiệm báo cáo và đề nghị UBND tỉnh xem xét, công bố kết thúc tình huống khẩn cấp nêu trên", ông Đặng Văn Minh chỉ đạo.
Lưu Hương