In bài viết

Quảng Ngãi: Thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(Chinhphu.vn) - Sáng 19/4, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

19/04/2023 15:09
Thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi - Ảnh 1.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Hội nghị thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế, cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm cung cấp thông tin, quảng bá cơ hội đến các nhà đầu tư đang quan tâm và có nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.

Dự hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã hết sức quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù; tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, văn hóa, giáo dục, sinh kế tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất… Nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; chương trình dân tộc thiểu số miền núi.

Nghị quyết số 120/2020 của Quốc hội khoá XIV về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó xác định phải đa dạng hóa nguồn lực, đặc biệt là ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình, đồng thời huy động, khuyến khích sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện.

Thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi - Ảnh 2.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/ Lưu Hương

Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi có hẳn một dự án lớn gồm 3 tiểu dự án thành phần để tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị trong đó tập trung vào việc thúc đẩy thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

"Qua hội nghị này, tôi kêu gọi các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tăng cường huy động, thu hút đầu tư vào vùng đồng đồng dân tộc thiểu số và miền núi, sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc bổ sung nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để triển khai có hiệu quả và đạt được mục tiêu của chương trình đã được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế

Theo ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi có nhiều tiềm năng, thế mạnh, với diện tích đất tự nhiên rộng lớn, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp với các ngành chính là chăn nuôi đại gia súc, trồng cây công nghiệp và phát triển kinh tế lâm nghiệp; là vùng có điều kiện để phát triển công nghiệp về chế biến nông lâm sản; khai thác, chế biến khoáng sản, thủy điện. Đồng thời cũng là vùng có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong thời gian qua, những tiềm năng, lợi thế này chưa được khai thác để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp ký kết họp tác đầu tư với các địa phương miền núi - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Ngãi đã xác định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với du lịch, liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường tiêu thụ, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn kết nông nghiệp với lâm nghiệp... nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo.

Bà Đinh Thị Trà, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển vùng chuyên canh cây dược liệu bản địa; có lợi thế về đất đai, nguồn lao động sẵn có và các hợp tác xã đang hoạt động. Vì vậy, huyện Sơn Hà sẵn sàng hợp tác với các nhà đầu tư có ý định về huyện để đầu tư làm vùng nguyên liệu hoặc chế biến sâu.

Theo bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đoàn Ánh Dương, 5 huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Các địa phương cần xây dựng các mô hình hợp tác xã cộng đồng điều phối, một mô hình tối ưu để xây dựng điểm du lịch cộng đồng bền vững và phát triển tối đa chuỗi giá trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Vì vậy cần chú trọng, có định hướng lâu dài khi xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng đi kèm với nghiên cứu xem cộng đồng tham gia như thế nào và cơ chế tài chính để cộng đồng được hưởng lợi.

Tại hội nghị, các đại biểu được giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, chính sách ưu đãi để kêu gọi thu hút đầu tư ở vùng đồng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi. 

Hội nghị được nghe Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trần Văn Mẫn giới thiệu cách thức tổ chức, triển khai thực hiện các dự án liên kết sản xuất trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; TS. Phan Thúy Hiền, Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, Bộ Y tế giới thiệu tiềm năng phát triển dược liệu quý ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi.

Lưu Hương