Hồ chứa nước thô trạm cấp nước xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà cấp nước sinh hoạt cho 5000 hộ dân trong xã. Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh |
Điển hình khu vực có tỷ lệ người dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng cao như các huyện: Đông Triều, Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Yên Hưng (80 –92%). Các huyện thị còn lại từ 73% - 80%, tỷ lệ tăng trung bình toàn tỉnh 3%/năm.
Cả giai đoạn, Chương trình mục tiêu đã huy động được hơn 85 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương 32,3 tỷ đồng chiếm 37,9% tổng vốn đầu tư; vốn của tỉnh hơn 21,4 tỷ đồng, chiếm 25,1 % tổng vốn đầu tư; vốn dân góp theo chương trình hơn 31,3 tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng vốn đầu tư.
Việc cấp nước, xử lý vệ sinh nông thôn được áp dụng tuỳ theo đặc thù từng địa phương. Trên địa bàn tỉnh đã áp dụng 5 mô hình cơ bản tại các huyện thị như: Giếng đào, bể nước mưa áp dụng đối với các xã đảo, ven biển, các xã có địa hình tương đối bằng phẳng như: Yên Hưng, Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái; trạm cấp nước tự chảy áp dụng cho các xã thuộc huyện Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Hoành Bồ.
Trạm cấp nước bơm dẫn cho các xã thuộc Yên Hưng, Đông Triều, Thành phố Hạ Long, thị xã Móng Cái; đặc biệt mô hình cấp nước giếng khoan sâu kết hợp mô hình tự chảy, bơm đẩy được áp dụng tại 3 dự án Uông Bí, Móng Cái, Vân Đồn, có thể áp dụng trong phạm vi các huyện có địa hình đồi núi thấp do giá thành, chi phí điện năng rẻ nhiều lần so với mô hình bơm dẫn tập trung.
Bên cạnh việc cấp nước, tỉnh cũng đã hoàn thành chỉ tiêu 67% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Toàn tỉnh có khoảng 61.100 hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 65% (trên tổng số gần 94.000 hộ chăn nuôi)...
Việc đảm bảo cung cấp nước sạch và đảm bảo vệ sinh môi trường cho nhân dân khu vực nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh vào năm 2015.
Gia Phạm