Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn SE đã trình bày phương án đầu tư cũng như phương án tài chính cho dự án đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Theo đó, dự án sẽ được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT (đầu tư xây dựng tuyến đường) và kết hợp với hình thức BT (phát triển quỹ đất). Đối với thi công dự án, trong 9 cầu xây dựng trên toàn tuyến, nhà đầu tư nghiên cứu thay đổi kết cấu của 3 cầu (Hòn Dáu, Bạch Đằng và Sông Chanh) từ bê tông dự ứng lực sang cầu kết cấu thép nhằm giảm tổng mức đầu tư, dễ dàng cho việc xử lý qua nền đất yếu, đảm bảo cảnh quan và mỹ thuật... Thời gian thực hiện dự án là 4 năm, bắt đầu triển khai vào đầu năm 2013. Tổng vốn đầu tư của dự án là gần 10.000 tỷ đồng.
Phương án thu hồi vốn từ thu phí giao thông không đảm bảo, Tập đoàn SE đề xuất nguyện vọng tiếp tục nghiên cứu với các hạng mục cần thiết, khi đầu tư dự án có sự tham gia góp vốn của Chính phủ Việt Nam, được nhượng quyền phát triển và khai thác các quỹ đất để xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, khu chung cư, khu du lịch nghỉ mát và khu dịch vụ dọc tuyến. Về phương án huy động tài chính, dự án có sử dụng vốn hỗ trợ phát triển, bao gồm 20% vốn chủ sở hữu; 60% vốn vay từ ngân hàng JBIC và các ngân hàng khác, 20% vốn hỗ trợ phát triển của Chính phủ Việt Nam.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao phương án mà Tập đoàn SE trình bày và tâm huyết của Tập đoàn trong quá trình nghiên cứu các phương án để đầu tư xây dựng tuyến đường. Đồng chí khẳng định, thời gian thi công và phương án hình thức đầu tư, phương án tài chính, cũng như những kiến nghị, đề xuất đã hợp lý hơn. Tỉnh Quảng Ninh cam kết đồng hành với nhà đầu tư để hoàn thành các thủ tục trong thời gian sớm nhất, ủng hộ những nội dung mà nhà đầu tư đã đặt ra./.