In bài viết

Quảng Ninh cần huy động các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng

(Chinhphu.vn) - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh cần quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

19/06/2014 14:05
Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Đồng thời thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư vào địa phương.

Trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, tỉnh Quảng Ninh cần đặc biệt chú trọng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, cụ thể hóa trong từng lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh, bền vững đi đôi với việc đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Quảng Ninh triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tinh giảm bộ máy biên chế; chuyển dịch mạnh hơn nữa lao động từ nông nghiệp sang làm công nghiệp và dịch vụ; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn để phục vụ cho các mục tiêu phát triển, ổn định nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương; đẩy mạnh sự nghiệp phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, cung cấp dịch vụ công.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bởi đây chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; là xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.

Trong hơn 3 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của Quảng Ninh đạt được nhiều kết quả tích cực, đúng hướng, bám sát mục tiêu đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với bình quân chung cả nước (năm 2011 là 11,7%; năm 2012 là 7,4%; năm 2013 đạt 7,5%); các quy hoạch quan trọng được quan tâm triển khai; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.

Tuy nhiên, lao động trong nông, lâm, ngư nghiệp chiếm gần 40% nhưng giá trị sản xuất chỉ chiếm 5,5% GDP nên đời sống của người nông dân còn thấp; chêch lệch về thu nhập giữa người thu nhập cao với thu nhập thấp còn lớn.

Phan Hiển