Chiều 30/11, tại TP. Móng Cái, Tỉnh ủy Quảng Ninh và Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học "Đột phá từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp chế biến, chế tạo".
Tại Tọa đàm, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Ngô Hoàng Ngân cho biết, tháng 11/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU - nghị quyết đầu tiên của cả nhiệm kỳ về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết đã tạo ra sự đột phá, mở ra hướng phát triển toàn diện cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh.
Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã đạt được những bước phát triển đột phá, thực sự trở thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế của tỉnh.
Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển dịch, ghi dấu ấn trong bức tranh kinh tế của Quảng Ninh với mức tăng trưởng cả năm 2021 là 32,19% (gần gấp đôi so với 17% của năm 2020), đóng góp 3,36 điểm % vào kết quả tăng trưởng chung của cả tỉnh.
Riêng 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng cũng đạt 10,97%. Tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh cũng nâng lên từ 6,7% năm 2010 lên 9,9% năm 2020 và lên 11,9% năm 2021 và tiếp tục tăng lên 12,3% trong 9 tháng đầu năm 2022.
Quy mô doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo phát triển nhanh, bình quân tăng 11,2%/năm. Năm 2010, Quảng Ninh có 291 doanh nghiệp chế biến, chế tạo, thì đến hết năm 2021 đã có hơn 800 doanh nghiệp, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh.
Tổng nguồn vốn đầu tư toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ năm 2010 đến nay đạt trên 69.000 tỷ đồng. Thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết đạt trên 32.976 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 1,1 triệu USD.
Năng lực sản xuất của lĩnh vực này được bổ sung với nhiều sản phẩm mới giá trị gia tăng cao như: Tivi, loa, vải dệt thoi từ sợi tổng hợp, thân mũ...
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh nhấn mạnh: Thời gian qua, Sở đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tận dụng tối đa hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận và tận dụng được các ưu đãi, cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do đã mang lại. Một số doanh nghiệp đã được hưởng lợi ích lớn trong hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tạo nền tảng để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh"; giảm sự phụ thuộc đối với các ngành khai thác tài nguyên; góp phần bảo vệ môi trường; nâng cao năng suất, hiệu quả, năng lực cạnh tranh chung của ngành công nghiệp.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 15%, đến năm 2030, con số này đạt 20%. Để hiện thực hóa được điều này, tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm dần những ngành lệ thuộc nhiều vào tài nguyên khoáng sản, tác động đến môi trường.
Đồng thời, ưu tiên thu hút có chọn lọc những dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thông minh và thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị theo hướng hiện đại, phát triển xanh...
NT