Đại diện tỉnh Quảng Ninh đón nhận danh hiệu "Quán quân PCI 2020". Ảnh: VGP/HT |
Sáng 15/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên PCI 2020.
Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho biết, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Long An và Bình Dương lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2020.
Đồng Tháp tuy không giành quán quân nhưng các chỉ số đều ổn định ở mức cao, đứng đầu khá nhiều chỉ số thành phần.
“Không gian cải cách cho Quảng Ninh và tỉnh, thành phố khác còn lớn”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: PCI là một chỉ số của hành động. PCI thúc đẩy những hành động thực chất của chính quyền các tỉnh, thành phố nhằm cải thiện chất lượng điều hành và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đó là việc xây dựng và thực thi chính sách dựa trên bằng chứng từ kết quả do PCI cung cấp. Đó là sự tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những mô hình tốt cấp cơ sở. Thực tế, PCI đã cổ vũ và lan tỏa nhiều thực tiễn tốt tại Việt Nam trong thời gian qua”.
Quảng Ninh năm nay một lần nữa vượt qua chính mình và xác lập vững chắc vị trí “Quán quân” trong bảng xếp hạng PCI 4 năm liên tiếp. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh thành, thành phố vượt qua mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây. Các tỉnh, thành phố đã xuất sắc đứng trong top 10 của “cuộc đua” PCI 2020 là Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, khoảng cách điểm số giữa tỉnh có kết quả PCI cao nhất và thấp nhất tiếp tục được thu hẹp lại.
Đại diện VCCI đánh giá cao các tỉnh nhóm sau trong bảng xếp hạng PCI đang có những nỗ lực vượt bậc để thu hẹp khoảng cách với các tỉnh dẫn đầu. Và điều này cũng phát đi tín hiệu những động lực và những thực tiễn cải cách tốt đã được lan tỏa.
Kết quả PCI trong những năm qua cũng cho thấy một số xu hướng quan trọng rất đáng lưu ý trong chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương theo thời gian. Trong vòng 5 năm trở lại đây, DN Việt Nam có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền. Cũng trong khoảng thời gian này, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục được giảm thiểu – một xu hướng nhất quán kể từ năm 2016…
Dù vậy, Báo cáo PCI 2020 cũng cho thấy những nỗ lực cải cách hành chính trong những năm qua còn “gập ghềnh”. Bên cạnh những lĩnh vực có nhiều tiến bộ, hoạt động cải cách cần được chú trọng hơn ở một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội… DN cũng kỳ vọng chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Đại diện cộng đồng DN đánh giá, bức tranh cải cách đã có nhiều sắc màu tươi sáng hơn nhưng vẫn còn những con số làm chúng ta chưa thể yên lòng. Theo kết quả điều tra PCI, cứ trong 4 DN thì có 1 DN cho rằng địa phương ưu ái các DN Nhà nước, gây khó khăn cho DN tư nhân. Cứ 3 DN thì có gần 1 DN cho rằng chính quyền còn ưu ái cho DN FDI. Vẫn còn 40% DN chưa sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế. Gần 45% DN cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức. 54% DN cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn. 20% DN đánh giá cán bộ Nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% DN phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần.
Niềm tin kinh doanh do tác động của đại dịch COVID-19 đã giảm mạnh tại thời điểm năm 2020. Chỉ có 41% DN cả tư nhân trong nước và FDI dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, giảm hơn 10 điểm % so với năm 2019. Điểm số PCI và PCI gốc năm 2020 cũng giảm nhẹ so với năm 2019 và các ngôi sao cải cách – các tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh đã ít có sự bứt phá hơn, cho thấy đà cải cách có phần chững lại, đòi hỏi chúng ta phải có những nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy cải cách một cách kiên trì, thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, năm 2021 cũng là năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới – một nội các với sự góp mặt của nhiều đồng chí lãnh đạo đã từng rất thành công trong điều hành kinh tế ở cấp địa phương.
“Chúng ta kỳ vọng Chính phủ mới sẽ là một Chính phủ hành động, tiếp bước khát vọng cải cách của Chính phủ tiền nhiệm, quan tâm hơn nữa đến môi trường kinh doanh ở các địa phương và triển khai tốt hơn các chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như xây dựng một niềm tin và tầm nhìn chiến lược để phát triển DN Việt Nam ngang tầm thế giới”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Chủ tịch VCCI phân tích, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: Việc “tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo” đã được xác định là một trong những đột phá về thể chế của Việt Nam. Thực sự bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan Nhà nước có liên quan và nhanh chóng xây dựng và vận hành chính quyền số… có thể góp phần quan trọng vào việc thực hiện đột phá thể chế nêu trên, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và năng động của cộng đồng DN và nền kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo và cộng đồng DN có trách nhiệm góp phần vào thúc đẩy những đột phá thể chế này.
Bảng xếp hạng PCI 2020 |
Theo Quyền Giám đốc USAID Việt Nam Brad Bessire, PCI đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố. Kết quả điều tra DN FDI năm 2020 cho thấy Việt Nam tiếp tục được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với lợi thế là chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng hơn, thanh tra, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt.
Đại diện USAID cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Việt Nam tiếp tục kiểm soát tham nhũng, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, hoàn thiện hệ thống thủ tục, quy định và nâng cấp mạnh mẽ chất lượng cơ sở hạ tầng.
Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ DN, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Báo cáo PCI 2020 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.300 DN, trong đó có trên 10.700 DN tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và gần 1.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.
|