Các mặt hàng năng lượng và kim loại là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các ngành sản xuất công nghiệp, nên diễn biến giá của các loại hàng hóa này thường được xem là một trong những công cụ đo lường sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu. Trong số đó, dầu thô và sắt thép đang là hai thị trường lớn có tác động đáng kể tới mọi nền kinh tế, đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), từ đầu năm tới nay, dầu thô và quặng sắt đang có những diễn biến có phần trái ngược nhau. Trong khi giá dầu thô WTI giảm 5,02% về 76,41 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 3,28% về 82,84 USD/thùng, thì giá quặng sắt ghi nhận đà tăng 9,30% lên 126 USD/tấn.
Giá quặng sắt vực dậy mạnh mẽ từ đáy
Quặng sắt hiện là mặt hàng có mức hồi phục hàng đầu khi giá đã tăng hơn 60% kể từ vùng đáy 75 USD/tấn được thiết lập vào cuối tháng 10. Đà tăng mạnh mẽ này phản ánh kỳ vọng tiêu thụ tích cực khi Trung Quốc mở cửa trở lại và kỳ vọng các Ngân hàng Trung ương sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất để bảo đảm các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới (WS), tổng sản lượng thép thô trên toàn cầu đạt 1.878,5 triệu tấn vào năm 2022, giảm 4,2% so với năm 2021, với ba nhà sản xuất hàng đầu lần lượt là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Trong bối cảnh nguồn cung tăng trưởng chậm lại, triển vọng tiêu thụ khởi sắc hơn trong các lĩnh vực xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khu vực châu Á sẽ là kim chỉ nam cho đà phục hồi của giá sắt thép và là lợi thế cho các quốc gia sản xuất.
Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ sắt thép cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm 2023 khi các dự án đầu tư công được triển khai nhiều hơn. Mới đây, Bộ Giao thông vận tải được Chính phủ giao giải ngân đầu tư công với số vốn 94.000 tỷ đồng, cao gấp 1,7 lần so với năm 2022.
Dầu thô chật vật khởi đầu năm mới
Nếu như kỳ vọng vào sự phục hồi của Trung Quốc vực dậy giá sắt, thì giá dầu thô chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố hơn, bởi cơ cấu cung cầu có sự tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức khác nhau. Giá dầu đã có một khởi đầu khó khăn cho năm 2023, khi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng nhu cầu không vượt xa so với khả năng đáp ứng nguồn cung.
Một trong những số liệu được coi là chỉ báo cho triển vọng tiêu thụ dầu là chỉ số Quản lý thu mua (PMI) sản xuất. PMI tăng trưởng tốt và trên 50 điểm sẽ cho thấy sự mở rộng của lĩnh vực sản xuất công nghiệp và gián tiếp phản ánh sự gia tăng nhu cầu dầu và các sản phẩm lọc dầu.
PMI tháng 1 của Trung Quốc đã hồi phục rất tốt lên mức 50,1 điểm, trái lại, PMI sản xuất của Mỹ lại giảm về 47,4 điểm, nói lên những khó khăn mà nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải đối mặt. Sự phân hóa giữa các nền kinh tế lớn là yếu tố khiến cho sức mua trên thị trường dầu chưa thể tăng mạnh. Tại Việt Nam, chỉ số PMI cũng đạt 47,4 điểm, tuy nhiên xu hướng của chỉ số này đang tích cực hơn so với Mỹ khi ghi nhận đà tăng so với mức 46,4 của tháng 12/2022.
Về nguồn cung, tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã quyết định giữ nguyên chính sách sản lượng trong cuộc họp vào ngày 01/02. Nỗ lực của OPEC+ một mặt cho thấy nhóm mong muốn thị trường dầu ở trạng thái cân bằng, nhưng cũng phản ánh việc triển vọng tiêu thụ hiện nay chưa đủ khả quan để kích thích nhóm gia tăng sản lượng.
Áp lực từ chính sách tiền tệ giảm bớt củng cố kỳ vọng lạc quan
Bên cạnh cung-cầu, tác động từ yếu tố vĩ mô cũng đang đạo đà cho thị trường hàng hoá. Kết thúc cuộc họp vào đêm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất hiện hành lên 4,50-4,75%. Trong bài phát biểu sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết các nhà hoạch định chính sách vẫn có kế hoạch tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát và chưa mở đường cho việc cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Tuy nhiên, nhiều khả năng mức lãi suất sẽ ở dưới mức 5%, điều này đồng nghĩa với việc Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất sau một đợt tăng 25 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 3 sắp tới. Công cụ theo dõi của CME cho thấy xác suất cho kịch bản này hiện áp đảo và chiếm khoảng 84%.
Lập trường có phần ôn hoà của các quan chức Fed đã làm cho đồng USD hạ nhiệt, và khiến chi phí đầu tư cũng như nắm giữ các loại hàng hoá giảm bớt. Chỉ số Dollar Index hiện đã giảm về 101,22 điểm. Sự suy yếu của đồng bạc xanh sẽ là yếu tố thúc đẩy sức mua với các mặt hàng kim loại và năng lượng.
Thêm vào đó, việc Fed ngừng mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ cũng giảm bớt sức ép lên nền kinh tế toàn cầu và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ với các mặt hàng chủ chốt như dầu thô, quặng sắt.
Theo MXV, với nước ta, điều này sẽ làm giảm bớt sức ép tỉ giá lên Ngân hàng Nhà nước, và tạo điều kiện để Việt Nam có thể tăng lượng dự trữ ngoại hối. Thị trường ngoại hối ổn định sẽ là động lực giúp nước ta nâng cao xếp hạng tín nhiệm và duy trì được lợi thế tốt khi tham gia vào các hoạt động thương mại quốc tế.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam