Ảnh minh họa |
Cụ thể, các dự án nhà máy điện gió gồm: Phong Nguyên có vốn đầu tư trên 1.911 tỷ đồng, xây dựng tại hai xã Tân Thành và Hướng Phùng; Phong Huy vốn đầu tư trên 1.913 tỷ đồng, xây dựng tại hai xã Tân Thành và Hướng Tân; Liên Lập vốn đầu tư trên 1.973 tỷ đồng, xây dựng tại các xã: Tân Liên và Tân Lập, Hướng Tân và thị trấn Khe Sanh; cùng thuộc huyện miền núi Hướng Hóa. Mỗi dự án có 12 tu bin gió với công suất thiết kế 48 MW và có thời hạn hoạt động là 50 năm.
Ở vùng miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị, nhất là các xã vùng biên giới thuộc huyện Hướng Hoá có tiềm năng rất lớn về điện gió, khi tốc độ gió trung bình đạt từ 6 m/s–7 m/s. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 2 dự điện gió là Hướng Linh 1 và 2 đã đi vào hoạt động.
Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt quy hoạch 31 dự án điện gió ở tỉnh này với tổng công suất trên 1.177 MW; trong đó, có 22 dự án điện gió dự kiến phát điện thương mại trong năm 2021; 7 dự án còn lại đang trong quá trình triển khai xây dựng.
Ngoài các dự án điện gió đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch, tỉnh Quảng Trị còn có hàng chục dự án điện gió khác đang trong quá trình nghiên cứu và khảo sát với tổng công suất khoảng trên 3.600 MW.
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng nói chung, điện gió nói riêng là một trong những ưu tiên của tỉnh Quảng Trị. Tỉnh thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: cung cấp thông tin, triển khai xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chính thống, hỗ trợ và tư vấn trên các lĩnh vực như: thuế, bảo hiểm, hợp đồng, đất đai, môi trường...
Tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị cũng kiên quyết không thu hồi đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ nằm trong quy hoạch để làm điện gió./.
Theo TTXVN