Báo cáo với đoàn công tác, UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng 23 đợt thiên tai gồm 11 đợt không khí lạnh, 8 đợt nắng nóng, 3 đợt mưa dông lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh; 1 đợt mưa lớn… đã làm 2 người chết, 2 người bị thương; ước thiệt hại do thiên tai gây ra hơn 76,4 tỷ đồng.
Trên cơ sở các nguồn hỗ trợ của Trung ương, nguồn huy động từ các tổ chức, cá nhân và ngân sách địa phương, tỉnh Quảng Trị đã triển khai các hoạt động khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai: Hỗ trợ hơn 10,7 tỷ đồng xây nhà đại đoàn kết cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt; hỗ trợ gần 6 tỷ đồng sữa chữa các công trình dân sinh bị hư hại cùng nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình nước sạch cho tỉnh Salavan (Lào); hỗ trợ cứu trợ tỉnh Nghệ An hơn 1,2 tỷ đồng… Chỉ đạo các địa phương, các cấp, ngành bám sát cơ sở, tập trung chỉ đạo việc cứu trợ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân và làm tốt việc cứu trợ, hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại sau thiên tai.
Năm 2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã kịp thời phân bổ hơn 119,6 tỷ đồng từ các nguồn hỗ trợ và ngân sách địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022; trích dự phòng ngân sách tỉnh hơn 25,3 tỷ đồng trong năm 2023 để tạm cấp cho các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tại năm 2022.
Đến nay, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập, củng cố đội xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở với số lượng 50 – 70 người/xã do lực lượng dân quân tự vệ làm nồng cốt; UBND tỉnh đã yêu cầu tất cả cấp xã phải xây dựng kế hoạch PCTT giai đoạn 2021- 2025 và phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định…
Năm 2022, theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT, tỉnh Quảng Trị xếp 18/63 tỉnh, thành phố về công tác PCTT.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng trao đổi các nội dung và kiến nghị đoàn công tác các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất giúp đời sống người dân trên địa bàn tỉnh ổn định; hỗ trợ phương tiện, vật tư, thiết bị cứu hộ cứu nạn; đề xuất Trung ương bố trí kinh phí để triển khai hiệu quả đề án về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Đoàn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ KH&ĐT đánh giá cao các kết quả, giải pháp của tỉnh Quảng Trị trong công tác PCTT trên địa bàn thời gian qua. Đồng thời cũng đề nghị tỉnh Quảng Trị cần chủ động hơn nữa trong các phương án, dự trữ lương thực thực phẩm, vật tư, trang thiết bị ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"; chủ động bố trí ngân sách trong công tác PCTT; lồng ghép công tác PCTT trong các chiến lược dài hạn của địa phương.
Trước đó, chiều 8/8, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai PCTT cũng đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Quảng Bình.
Tại Quảng Bình, từ đầu năm 2023 đến nay có 1 đợt áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông; 11 đợt gió mùa Đông Bắc và không khí lạnh tăng cường, xuất hiện 6 đợt rét, 5 đợt nắng nóng, xảy ra 3 vụ lốc xoáy gây thiệt hại đến tài sản của người dân. Ước tính thiệt hại khoảng 9,3 tỷ đồng…
Làm việc với địa phương, ông Nguyễn Văn Đoàn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ KH&ĐT đề nghị tỉnh Quảng Bình cần chủ động hơn nữa phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"; chủ động bố trí ngân sách trong công tác PCTT; bảo đảm an toàn cho ngư dân, tàu thuyền trong mùa mưa bão…
Lưu Hương