In bài viết

Quảng Trị tăng tốc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2024

(Chinhphu.vn) - Năm 2024 là năm bứt phá có tính chất quyết định để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2021-2025), vì vậy tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

01/01/2024 14:04

Nhân dịp năm mới 2024, Báo Điện tử Chính phủ đã phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng về kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đặt ra trong năm 2024.

Năm 2023 được tỉnh xác định là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Vậy trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị thế giới, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023 được tỉnh Quảng Trị đặt ra như thế nào, thưa ông?

Ông Võ Văn Hưng:  Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã quán triệt phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả". Với quyết tâm giành thắng lợi ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ; Kết luận số 372-KL/TU ngày 6/12/2022 của Tỉnh ủy và các nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và Chương trình công tác trọng tâm năm 2023.

Trong năm, UBND tỉnh đã quán triệt và bám sát các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo triển khai đầy đủ, kịp thời các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị và công điện của Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt là những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; các văn bản triển khai thực hiện các nghị quyết phiên họp thường kỳ hàng tháng và các phiên họp chuyên đề của Chính phủ năm 2023. Triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về phòng chống dịch, về các chính sách hỗ trợ người lao động, chính sách an sinh xã hội và về các vấn đề quan trọng khác...

Tính đến 21/12, có 177 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương thực hiện qua phần mềm theo dõi chỉ đạo. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 104 nhiệm vụ; đang thực hiện 73 nhiệm vụ; phấn đấu đến cuối năm 2023, hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong năm. 

Quảng Trị tăng tốc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2024- Ảnh 1.

Năm 2023, tỉnh Quảng Trị cán đích với chỉ số tăng trưởng GRDP đạt 6,68%

Trong năm 2023, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp thực hiện hơn 50 lượt làm việc để tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ về chủ trương, cơ chế, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; mạnh dạn đề xuất, kiến nghị và kiên trì bám sát để tạo dựng nguồn lực và cơ hội phát triển cho tỉnh. Nhờ vậy, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực đột phá và hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, từng bước hiện thực hoá những mục tiêu quan trọng đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Trong đó có các công trình, đề án, nhiệm vụ trọng tâm, như: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Cảng hàng không Quảng Trị, Khu công nghiệp Quảng Trị, Khu bến cảng Mỹ Thủy; bổ sung vốn cho đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông-Tây và đường tránh phía đông TP. Đông Hà; các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo và Quốc lộ 15D; đề án tổng thể vận chuyển than đá và hàng rời từ Lào qua cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy, ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, nhất là các công trình giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tỉnh cũng đã tổ chức và phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng, như: Lễ hội Thống nhất non sông, khai trương mùa du lịch Quảng Trị năm 2023; kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị (1973-2023); kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê 29/10 (1923-2023)… tạo được ấn tượng tốt đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy truyền thống cách mạng, niềm tự hào của mảnh đất và con người Quảng Trị; đồng thời tổ chức thành công nhiều sự kiện, diễn đàn nhằm mở rộng quan hệ đối ngoại, xúc tiến, vận động đầu tư và hợp tác kinh tế quốc tế, như chương trình kết nối Quảng Trị-Thái Lan, gặp gỡ các đối tác đến từ Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, các đại sứ quán... và đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Tất cả các hoạt động này góp phần quan trọng để tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023.

Quảng Trị tăng tốc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2024- Ảnh 2.

Tỉnh Quảng Trị vừa khởi động dự án cảng hàng không, tạo tiền đề quan trọng phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới - Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Trị

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Xin ông chia sẻ kết quả nổi bật của tỉnh đạt được trong năm qua?

Ông Võ Văn Hưng: Trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của nhiều yếu tố bất lợi bên ngoài, nhưng với sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong toàn tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh là 6,68% (kế hoạch là 6,5-7%), GRDP bình quân đầu người năm 2023 là 71 triệu đồng (kế hoạch là 70 triệu đồng). Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút 50 dự án với tổng mức đầu tư hơn 3.473 tỷ đồng.

Theo số liệu dự ước, có 15/18 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu đã được thực hiện đạt và vượt kế hoạch; có 3/18 chỉ tiêu tiệm cận với kế hoạch đề ra. 

Công tác quy hoạch được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch tích hợp bao trùm nhiều ngành, lĩnh vực, lãnh thổ với khối lượng công việc rất lớn đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 21, hiện nay đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đáng chú ý, các dự án trọng điểm, động lực được tập trung triển khai thực hiện, cơ bản hoàn thành các thủ tục đầu tư, công tác giải phòng mặt bằng để chuẩn bị khởi công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng, tạo sự đột phá, sức lan tỏa để thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách, tạo tiền đề quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Đó là dự án đường tránh phía Đông TP. Đông Hà, đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông-Tây và đường nối đường Hồ Chí Minh được tập trung tháo gỡ khó khăn để đấy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn được giao; dự án khu bến cảng Mỹ Thuỷ đã hoàn thành cơ bản các công việc, thủ tục pháp lý để bắt đầu triển khai thi công trong tháng 2/2024; dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 (1.500 MW) đang bổ sung, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, phấn đấu trình Bộ Công Thương phê duyệt vào đầu quý I/2024. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tích cực vận động, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để sớm triển khai thực hiện các dự án Quốc lộ 15D và cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo.

Đặc biệt, vào ngày 15/12, tỉnh đã chính thức khởi động 2 dự án trọng điểm có quy mô hơn 8.000 tỷ đồng là Cảng hàng không Quảng Trị và Khu công nghiệp Quảng Trị. Dự án Cảng hàng không Quảng Trị có quy mô trên 265 ha, tổng mức đầu tư hai giai đoạn trên 5.830 tỷ đồng; dự án Khu công nghiệp Quảng Trị có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Hai dự án này được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế-xã hội đối với tỉnh Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung.

Quảng Trị tăng tốc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2024- Ảnh 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (áo nâu nhạt) kiểm tra các dự án trọng điểm - Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Trị

Năm 2024 được xác định là năm bứt phá quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà tỉnh sẽ tập trung thực hiện là gì, thưa ông?

Ông Võ Văn Hưng: Năm 2024 là năm bứt phá, có tính chất quyết định để hoàn thành kế hoạch 5 năm (2021-2025), do đó, tỉnh Quảng Trị sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,5-7%, GRDP bình quân đầu người đạt từ 77 triệu đồng, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 3.900 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 26.500 tỷ đồng...

Để hoàn thành các mục tiêu đó, tỉnh sẽ tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các chính sách, giải pháp của Chính phủ về tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.

Huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Tập trung triển khai công tác quy hoạch, thực hiện các dự án đầu tư, chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương và có hiệu quả đối với một số dự án động lực, như Cảng hàng không Quảng Trị, Cảng Mỹ Thủy, Khu công nghiệp Quảng Trị, đường tránh phía đông TP. Đông Hà, Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1, Dự án cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo, Quốc lộ 15D, Đề án tổng thể vận chuyển than đá và hàng rời từ Lào qua cửa khẩu quốc tế La Lay về cảng biển Mỹ Thủy,...

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng, đô thị, nông thôn... ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam, điều chỉnh quy hoạch phân khu Khu kinh tế Đông Nam giai đoạn 2.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, giáo dục đào tạo; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...

Bước vào năm 2024, có thể thấy, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, dự báo tình hình vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Cùng với sự quyết tâm Đảng bộ, chính quyền, đòi hỏi các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, ý chí vươn lên, tận dụng thời cơ, nỗ lực phấn đấu, hành động quyết liệt để đạt hiệu quả cao hơn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Trang (thực hiện)