Lĩnh vực VHTTDL đã có nhiều chuyển biến tích cực
Phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, phiên chất vấn đã diễn ra khá sôi nổi, với tinh thần trách nhiệm, xây dựng. Các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề.
Đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cơ bản nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực quản lý và đã nghiêm túc nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế và cũng đề xuất những giải pháp để giải quyết. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, một số nội dung trả lời của Bộ trưởng vẫn còn dài, giải pháp có điểm còn chung chung, nên phần nào chưa làm hài lòng một số đại biểu Quốc hội.
Văn hóa, thể thao, du lịch là một lĩnh vực quan trọng trong xã hội, liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần, thể chất của người dân. Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của gia đình và xã hội, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là lĩnh vực thể thao, đã trở thành niềm tự hào, góp phần tạo nên sức mạnh, nâng cao vị thế của quốc gia. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, sự phát triển của kinh tế với những mặt trái đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần và gây ra không ít những vấn đề bức xúc trong nhân dân và dư luận.
Xuất phát từ mối quan tâm của xã hội, cử tri và nhân dân, nhiều đại biểu đã chất vấn, tranh luận để làm rõ các vấn đề với mong muốn Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như các Bộ, ngành liên quan có các giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực phụ trách. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn.
Sửa đổi, bổ sung chính sách đối với nghệ thuật biểu diễn
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể sau:
Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý để quản lý văn hóa, thể thao và du lịch; chú trọng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong đó lưu ý đến việc ban hành các văn bản phối hợp giữa các cơ quan để giải quyết những nội dung có tính chất liên bộ, liên ngành;
Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, trong đó đặc biệt quan tâm đến một số lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, nghệ thuật truyền thống, hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật truyền thống;
Hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, phát hành phim, ảnh về truyền thống lịch sử, dân tộc; có chính sách hỗ trợ, khuyến khích hoạt động biểu diễn phục vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; khuyến khích văn nghệ sĩ, nghệ nhân phát huy tài năng, năng lực sáng tác, sáng tạo;
Đầu tư cho hoạt động sáng tác, sưu tầm, gìn giữ, quảng bá những tác phẩm nghệ thuật có giá trị; chú trọng bảo tồn các tác phẩm nghệ thuật, các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể;
Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống, sản xuất các tác phẩm điện ảnh, nghệ thuật có giá trị; làm tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các sai phạm trong việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, cuộc thi người đẹp, người mẫu trái quy định và không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của người Việt Nam. Sửa đổi, bổ sung quy định về các cuộc thi sắc đẹp, quy định về các hoạt động biểu diễn.
Có các biện pháp tuyên truyền, lên án, chấn chỉnh các biểu hiện của lối sống “lệch chuẩn”, ứng xử thiếu văn hóa, nhất là thông qua các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và điện ảnh.
Phát huy giá trị tốt đẹp, truyền thống của các tôn giáo, tín ngưỡng
Tiếp tục phát huy giá trị tốt đẹp, truyền thống của các tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có các giải pháp, biện pháp đồng bộ trong việc phòng, chống mê tín dị đoan, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để thu lợi bất chính;
Chấn chỉnh các hành vi lợi dụng tâm linh để tiến hành các hoạt động không có trong giáo lý, giáo luật; tăng cường các biện pháp tuyên truyền để nhân dân nhận diện được sự khác nhau giữa các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh với các hành vi mê tín dị đoan núp bóng hoạt động tín ngưỡng, tâm linh;
Tổ chức thực hiện nếp sống văn minh trong nhân dân, đồng thời với việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan.
Ưu tiên nguồn lực bảo tồn di tích đang xuống cấp
Cùng với đó, phải làm tốt công tác quy hoạch bảo tồn, nhất là các khu di tích Quốc gia đặc biệt, có giá trị lịch sử, văn hóa để bố trí nguồn lực cho duy tu bảo trì, ưu tiên các công trình đang xuống cấp.
Phát huy vai trò chủ động của các địa phương trong công tác quản lý, khai thác hiệu quả và huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, nhất là các di tích đang xuống cấp.
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu trình Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn pháp luật về quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, quản lý và sử dụng nguồn thu đúng mục đích.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch tương xứng tiềm năng
Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới;
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch tại các địa phương; kiểm soát, quản lý tốt các điểm đến du lịch, bảo đảm chất lượng dịch vụ, an ninh, an toàn cho du khách;
Nâng cao năng lực cạnh tranh của nghành du lịch để tương xứng với tiềm năng tài nguyên, thiên nhiên; thúc đẩy nâng cao hơn nữa các chỉ số liên quan đến du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại các thị trường mới, tránh bị phụ thuộc vào những thị trường truyền thống; huy động nguồn lực tham gia xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tiếp tục triển khai kế hoạch quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn du lịch; có các biện pháp phối hợp để quản lý chặt chẽ việc lợi dụng tổ chức các Tour du lịch ra nước ngoài để vi phạm pháp luật, cần xử lý triệt để các tour du lịch không đồng, xử lý các loại hình du lịch biến tướng, lợi dụng tổ chức tour du lịch để có các hành vi lừa đảo, kiếm lời.
Nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường du lịch; quy hoạch tốt du lịch biển, đầu tư đồng bộ phát huy các lợi thế về biển để phát triển du lịch biển, coi đây là mũi nhọn của du lịch Việt Nam.
Văn hóa – sức mạnh nội sinh để phát triển bền vững
Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước. Để phát huy được vai trò của văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo Chủ tịch Quốc hội, cần có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, của mọi tổ chức, các gia đình và từng người dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, “những nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội hôm nay vừa thể hiện sự trăn trở, mong muốn xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mong muốn Việt Nam trở thành điểm đến của du lịch thế giới”.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, để biến các chương trình, mục tiêu thành hiện thực, có những giải pháp có thể làm ngay nhưng cũng có những nội dung cần phải có chiến lược dài hạn, có sự phối hợp thống nhất của nhiều bộ, ngành và sự ủng hộ của xã hội và nhân dân.
“Với mong muốn đó, Quốc hội, nhân dân và cử tri chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà ngành văn hóa, thể thao, du lịch đang thực hiện, đồng thời mong muốn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Phát triển kinh tế phải đi kèm với bảo tồn di sản
Trả lời chất vấn về vấn đề phát triển du lịch bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, phát triển du lịch cũng như phát triển ngành kinh tế khác, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và không phá vỡ di sản văn hóa. Đây là vấn đề lớn trong mối quan hệ bảo tồn phát triển của các nước trên thế giới.
Thời gian qua, chúng ta xây dựng những nhà máy, khu du lịch thì có nơi này, nơi khác cũng ảnh hưởng đến bảo tồn. Trích dẫn câu nói của Thủ tướng liên quan đến công tác bảo tồn văn hóa là tất cả mọi cái đều xây dựng được, làm được, nhưng di sản thì không làm lại được, Bộ trưởng khẳng định, “không thể hy sinh di sản được, phát triển kinh tế phải chú trọng bảo tồn di sản”.
Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua, trong quy hoạch, bảo tồn phát triển đang bị coi nhẹ. Khi phát triển có trường hợp không quan tâm đến bảo tồn, không quan tâm đến các nhà chuyên môn, chuyên gia bảo tồn, cho nên phá vỡ toàn bộ, hoặc làm rất tốt rồi nhưng thi công không ai giám sát.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre). Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Kết hợp xử phạt với lên án hành vi phản văn hóa
Đề cập trực diện đến một vấn đề đang gây bức xúc cử tri và nhân dân là việc xử phạt hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan tại chùa Ba Vàng 5 triệu đồng là quá nhẹ so với mức độ vi phạm và ảnh hưởng đến xã hội, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng cho biết, mức độ xử lý vi phạm hành chính hiện nay với những hành vi này đã đủ sức răn đe chưa? Bộ trưởng có những giải pháp nào để chống tái diễn hành vi này ở chùa Ba Vàng, cũng như các cơ sở tâm linh khác?
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng nêu rõ, “sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng là việc làm vừa vi phạm luật pháp vừa ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống và văn hóa cần lên án và xử lý.
Về việc xử lý, chính quyền địa phương, UBND thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Phạm Thị Yến với mức phạt là 5 triệu đồng, đây là mức phạt cao nhất trong Nghị định 158.
Theo Bộ trưởng, “5 triệu đồng nếu thấy rất nhỏ thì rất nhỏ, nhưng có xử phạt đến 100 triệu đồng thì cũng chưa thể được”. Nhưng Bộ trưởng cũng thấy rằng, “tiền một phần, nhưng phải tăng xử phạt, và làm thế nào để lên án, phê phán hành vi phản văn hóa, phi đạo đức”. Kết hợp cả hai việc vừa xử phạt, vừa dư luận xã hội sẽ tốt hơn, Bộ trưởng nói.
Cấp phép thông thoáng phải tăng cường kiểm tra
Liên quan đến việc xử lý các công ty lữ hành đưa khách du lịch ra nước ngoài bỏ trốn, Bộ trưởng khẳng định, đây là hành vi phải lên án và xử lý.
Theo Bộ trưởng, trách nhiệm trước hết của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa tốt. Ở đây có sự vi phạm, lừa đảo của các doanh nghiệp.
Chúng ta đã xử lý và bài học rút ra là khi cấp phép cho doanh nghiệp lữ hành phải quan tâm hơn. Bây giờ cấp phép thành lập doanh nghiệp thoáng nhưng thoáng thì hậu kiểm, quản lý như thế nào, có tiêu chí gì, đây là những vấn đề đang đặt ra trong cong tác quản lý nhà nước về du lịch và lữ hành.
Bộ trưởng cũng cho biết, “đã tăng cường cấp phép, tăng cường thanh tra kiểm tra công ty du lịch, lữ hành”. Tuyên truyền giáo dục xử lý vi phạm đối với các công ty du lịch. “Khách du lịch phải lưu ý nên chọn công ty lữ hành có uy tín năng lực, không nên nghe lời nói của các công ty lữ hành có lời nói ngon ngọt lừa đảo”.
Thương mại hóa công trình tâm linh là vi phạm pháp luật
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) về vấn đề thương mại hóa công trình tâm linh, gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định, “việc thương mại hóa công trình tâm linh, lợi dụng công trình tâm linh để kinh doanh, thu lợi là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải lên án và xử lý theo quy định”.
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho biết, quản lý về tôn giáo, chùa thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Đối với khía cạnh quản lý văn hóa, Bộ trưởng cho biết “chưa nhận được thông tin quan chức góp để xây dựng chùa” và đề nghị, “đại biểu Quốc hội có thông tin gì thì cung cấp cho Quốc hội, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xử lý theo quy định pháp luật”.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, nếu đại biểu Quốc hội có thông tin chính xác về những công trình tâm linh được góp vốn từ nhiều cá nhân để xây dựng thì cung cấp cho Quốc hội để tiến hành giám sát.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề: Dư luận hiện nay cho rằng, có hiện tượng kinh doanh chùa, đền. Trước diễn đàn công khai của Quốc hội, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, có hay không hiện tượng này, để xóa tan băn khoăn này của người dân?...
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện chưa nhận được báo cáo nào về hiện tượng kinh doanh chùa, đền.
Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đặt hòm công đức bảo đảm nếp sống văn minh
Tiếp tục chất vấn về sự phát triển của các dự án khu du lịch tâm linh, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nêu vấn đề: Sự phát triển các dự án khu du lịch tâm linh được đầu tư rất lớn tầm cỡ kỷ lục quốc gia, khu vực và thế giới. Báo cáo của Bộ trưởng đã đánh giá việc quản lý thu chi tiền công đức công khai, minh bạch. Bộ trưởng cho biết tính chính xác của nhận định trên tổng thu chi tiền công đức hàng năm là bao nhiêu? Sử dụng vào mục đích gì? Bộ trưởng có chủ trương thanh tra, kiểm soát nguồn thu chi cho hoạt động lễ hội, tín ngưỡng mang tính xã hội hóa hiện nay hay không?
Bộ đã ban hành Quyết định 2245 quy định mỗi di tích không quá 3 hòm công đức tại 3 ban thờ chính. Báo cáo của Bộ đã đặt hòm công đức theo quy định, nhưng có nhiều điểm tâm linh đặt hòm công đức dày đặc, việc cúng thuê đang tạo nên tình trạng thương mại hóa tâm linh biến việc linh thiêng này trở nên phàm tục. “Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình với những tồn tại nêu trên?”, đại biểu đề nghị.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng cho biết, vấn đề hòm công đức hiện chưa có văn bản pháp quy nào quy định tiền công đức thu như thế nào. Chỉ có văn bản của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch cùng với Bộ Nội vụ hướng dẫn việc sử dụng tiền công đức, nhưng Thông tư liên tịch 04 năm 2014 đã hướng dẫn tiền, tài sản người dân công đức tại các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo phải được sử dụng đúng mục đích. Bộ chưa có văn bản quản lý nhà nước nào quy định về vấn đề này.
Hiện Chính phủ ban hành Nghị định 110 liên quan đến quản lý và tổ chức lễ hội, trong đó, giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn vấn đề này. Do Nghị định mới ban hành năm 2018, nên Bộ Tài chính đang triển khai xây dựng triển khai văn bản này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu quan điểm, “không được quá nhiều hòm công đức”, đồng thời khẳng định tiếp thu ý kiến của đại biểu và sẽ nghiên cứu, cùng với các bộ, ngành để đặt hòm công đức như thế nào, bảo đảm được nếp sống văn minh, văn hóa.
Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để thực hành mê tín, dị đoan
Trả lời chất vấn của các đại biểu về việc xử lý các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng, Bộ trưởng nêu rõ, Điều 24 Hiến pháp 2013 đã quy định mọi người có quyền tự do tôn giáo, Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Tôn giáo tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, bản chất tôn giáo là tốt đẹp, hướng con người đến cái thiện, tránh xa cái ác, cái xấu, tu thân tích đức.
Sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, giúp con người phát triển toàn diện. Pháp luật nước ta luôn tôn trọng bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, thời gian qua có một số cá nhân lợi dụng nghi thức tôn giáo tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật. “Vấn đề này đã bị pháp luật xử lý và dư luận xã hội lên án vì vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục”.
Để khắc phục, Bộ trưởng cho biết, “sẽ thực hiện một số giải pháp, như tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về biện pháp phòng, ngừa mê tín dị đoan; lên án, phê phán, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để thực hành mê tín, dị đoan…”
Đối với vi phạm của bà Phạm Thị Yến ở chùa Ba Vàng, Bộ trưởng nêu rõ, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí đã xử phạt hành chính bà Yến mức cao nhất là mức 5 triệu đồng. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ Luật Hình sự về tội hành nghề mê tín dị đoan.
Một giải pháp nữa, cũng được Bộ trưởng nêu ra là tập trung chăm lo phát triển KTXH, tạo việc làm, xây dựng mô hình văn hóa, thể thao, tổ chức chương trình văn hóa thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động văn hóa.
Đối với các văn bản quy phạm, pháp luật để phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm, Bộ trưởng cho biết, có Luật Tôn giáo, tín ngưỡng, Bộ luật Hình sự, Nghị định 159… “Nếu như chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa và xử lý, hiện tượng đại biểu nêu sẽ chấm dứt”.
Xử lý các điểm nghẽn trong lĩnh vực du lịch
Về giải pháp xử lý các điểm nghẽn trong lĩnh vực du lịch, Bộ trưởng cho biết hiện có mấy điểm nghẽn. Trước hết là hạ tầng sân bay quá tải, khách đến không có chỗ đỗ máy bay, đợi lâu vì phải làm thủ tục. Lượng khách tăng lên 20 - 30% thì khó đáp ứng được.
Bên cạnh đó, thị thực cũng là một điểm nghẽn, chỉ số năng lực cạnh tranh chúng ta đứng thứ 116, nếu không tháo gỡ du lịch khó tăng trưởng mạnh.
Kinh phí xúc tiến quảng bá còn thấp, các văn phòng đại diện nước ngoài trong xúc tiến quảng bá du lịch không có, trong khi Thái Lan có 28 văn phòng nước ngoài…
Mặt khác, nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, nhà quản lý khách sạn 4 -5 sao ít, còn phải thuê người nước ngoài.
Một điểm nghẽn nữa, theo Bộ trưởng là chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch…
Về vấn đề đại biểu nêu du lịch có phải là “ngôi sao cô đơn”, Bộ trưởng khẳng định không phải, du lịch phát triển nhờ xã hội, du lịch là ngành KTXH tổng hợp, mang tính đa ngành, toàn xã hội phải vào cuộc. Ở Trung ương Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo đã vào cuộc rất quyết liệt và mong muốn các ngành các cấp toàn thể nhân dân quan tâm hơn nữa để ngành du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tập trung khắc phục những tồn tại vừa qua.
Không có hiện tượng kinh doanh tôn giáo
Tham gia giải trình về việc có hay không việc “kinh doanh chùa” mà khá nhiều đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo quy định của pháp luật, Hiến chương của Hội Phật giáo Việt Nam, thì không có hiện tượng kinh doanh tôn giáo.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo, Bộ Nội vụ chưa phát hiện hiện tượng kinh doanh tôn giáo. Khẳng định điều này, song Bộ trưởng cũng thừa nhận, “trên thực tế, trong thời gian qua, có một số cá nhân dựa vào cơ sở thừa tự, tôn giáo, niềm tin của nhân dân, của phật tự để hoạt động mê tín, dị đoan, trục lợi và gây bức xúc trong xã hội”.
Liên quan đến ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng một số cán bộ góp tiền để xây chùa, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ, theo báo cáo của Ban Tôn giáo, Bộ Nội vụ nắm được, thì đến nay chưa phát hiện cán bộ, công chức nào góp tiền xây dựng chùa.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 56, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thành lập theo tập quán, do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp chung thực hiện. Thời gian qua, việc xây dựng các cơ sở tôn giáo cũng do nhân dân hoặc doanh nghiệp đóng góp.
Sự việc chùa Ba Vàng: Thống nhất đưa ra hình thức xử lý phù hợp
Với các sự việc liên quan đến chùa Ba Vàng, Bộ trưởng cho biết, từ ngày 20 – 28/3 vừa qua, các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Nội vụ, các cơ quan của tỉnh Quảng Ninh, Ban Hội đồng Trị sự của Hội Phật giáo Việt Nam có nhiều văn bản báo cáo gửi các bộ, ngành xác minh, làm rõ và báo cáo với Chính phủ nội dung này.
Qua xác minh, làm việc với các cơ quan chức năng, UBND tỉnh Quảng Ninh và Hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất những sai phạm pháp luật và giới luật của Phật giáo, từ đó đưa ra hình thức xử lý phù hợp.
“Sau khi xử lý những cá nhân liên quan, dư luận đã lắng xuống, đa số đồng thuận với cách giải quyết của Hội Phật giáo Việt Nam, chính quyền thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Việc xử lý kịp thời của Hội Phật giáo Việt Nam, chính quyền thành phố Uông Bí, các bộ, ngành liên quan đã tạo niềm tin trong tăng ni, tín đồ phật tử, nhất là quần chúng nhân dân với Phật giáo Việt Nam”, Bộ trưởng khẳng định.
Không để xảy ra hiện tượng lợi dụng tôn giáo làm lệch chuẩn đạo đức
Để khắc phục những tình trạng nêu trên, tăng cường quản lý Nhà nước về tôn giáo, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ sẽ triển khai một số biện pháp.
Thứ nhất, tiếp tục đề xuất Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có Nghị định xử phạt hành chính các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo. Không để xảy ra các hiện tượng lợi dụng tôn giáo để làm lệch chuẩn đạo đức, phản văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo cho người dân, các chức sắc tôn giáo, các nhà tu hành, đặc biệt là tín đồ tôn giáo.
Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý tôn giáo; kỹ năng, kiến thức chuyên ngành để tham mưu tốt cho chính quyền địa phương trong quản lý tôn giáo.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, chính quyền địa phương để phát hiện, xử lý kịp thời các hiện tượng vi phạm.
Giáo hội không dung túng, bao che bất kỳ người tu hành nào khi vi phạm đạo đức, giáo luật
Tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), đại diện cho tôn giáo, đã nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng, đồng thời tham gia làm rõ những nội dung liên quan đến một số nghi lễ, như dâng sao giải hạn, thỉnh vong diễn ra tại một số chùa trong thời gian vừa qua, hay chùa xây dựng có sự góp vốn của cá nhân, tổ chức kinh doanh hay không?
Là một đại biểu Quốc hội, một tu sĩ phật giáo trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nêu rõ: Tất cả các chùa trên phạm vi cả nước đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo địa phương cùng nhân dân xây dựng và quản lý, không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này.
“Không có chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức, tập thể với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu dưới một cụm từ rất mới, rất lạ là chùa BOT”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm khẳng định.
Hòa thượng cũng nhấn mạnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo có truyền thống yêu nước, với tinh thần hộ quốc an dân, đã sớm gắn bó với vận mệnh của đất nước luôn đồng hành cùng dân tộc trong quá trình truyền bá tư tưởng đạo lý phật giáo. Vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đồng lòng tổ chức rất thành công Đại lễ Vesak được bạn bè quốc tế phật giáo đánh giá cao.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn phát huy tinh thần phụng đạo, yêu nước thực hiện những phương châm hoạt động của giáo hội, đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tích cực hưởng ứng các hoạt động tích cực lợi dụng, phúc lợi xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa.
Tuy nhiên, Hòa thượng cũng thừa nhận, dù rất ít nhưng “con sâu làm rầu nồi canh”, hiện tượng sai lệch giáo luật của một số nhà tu hành tại các chùa có ứng xử chưa phù hợp với phật tử đến lễ chùa để Giáo hội Phật giáo Việt Nam Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương nhắc nhở, xử lý kỷ luật nghiêm khắc theo các quy định của hiến chương và các nội quy của giáo hội.
“Một lần nữa, tôi xin khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng bao che cho bất kỳ người tu hành nào, đặc biệt là các chức sắc khi vi phạm đạo đức và giáo luật”, đại biểu Quốc hội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm nói.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội các nội dung: Quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh; công tác quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan; việc đầu tư, xây dựng và quản lý các công trình tâm linh; quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh; công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.
Cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về các vấn đề có liên quan có: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Công an.
Bốn Bộ trưởng trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. |