In bài viết

Quốc hội thảo luận dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Cùng với dự án dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, chiều 28/5, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

28/05/2019 15:55
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, mục đích của việc xây dựng dự án Luật này là nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước của công dân; quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh; bảo đảm tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việc xây dựng dự án Luật được dựa trên các quan điểm chỉ đạo: Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho công dân nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc cấp, quản lý giấy tờ xuất nhập cảnh và kiểm soát xuất nhập cảnh; kế thừa các quy định hiện hành còn phù hợp và bổ sung những quy định mới để đáp ứng với sự phát triển của đất nước, tháo gỡ những phát sinh trong thực tế.

Dự thảo Luật gồm 6 chương 40 điều, quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự luật cũng quy định rõ nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh gồm: Tuân thủ quy định của Luật này, các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Công khai, minh bạch, vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bình đẳng giới; vừa đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Công dân Việt Nam phải sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam. Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam phải được quản lý, khai thác tập trung, thống nhất, an ninh, an toàn, ổn định.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị hợp nhất dự thảo Luật với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với Tờ trình và nhấn mạnh việc ban hành Luật nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thời gian qua.

Dự thảo Luật và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam khác nhau về đối tượng áp dụng, nội dung điều chỉnh, thủ tục hành chính, các loại giấy tờ được cấp và nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước… nên đề nghị không hợp nhất.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến xuất nhập cảnh, bảo vệ an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, do hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam có liên quan đến một số quy định trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành nên đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng.

Về bố cục của dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị bổ sung một chương quy định về Cơ sở dữ liệu chuyên ngành về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; bổ sung các quy định về sử dụng hộ chiếu; bổ sung quy định về hình thức, nội dung của hộ chiếu vào Chương II; điều chỉnh lại các mục của Chương III cho phù hợp.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành với các ý kiến đề nghị bổ sung quy định về Cơ sở dữ liệu chuyên ngành về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, quy định về sử dụng hộ chiếu và hình thức, nội dung của hộ chiếu. Đồng thời, tán thành với các mục trong Chương III, vì cho rằng đã phù hợp với hình thức, nội dung cần điều chỉnh, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, thuận lợi cho việc thực hiện.

Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật này.

Nguyễn Hoàng