In bài viết

Quốc hội thảo luận dự thảo Luật PCCC sửa đổi

(Chinhphu.vn) - Chiều nay (25/10) Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi bổ sung, một số điều của Luật Phòng cháy và Chữa cháy.

25/10/2013 19:21

Một trong những điểm chú ý được nhiều đại biểu quan tâm đó là quy định về việc chủ hộ gia đình có trách nhiệm chuẩn bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ, các điều kiện cần thiết phục vụ chữa cháy.

Đại  biểu Nguyễn Văn  Minh (Bắc Kạn) cho rằng, việc quy định trách  nhiệm chủ gia đình, cá nhân trong việc nâng cao hiểu biết PCCC là cần thiết. Tuy nhiên quy định như dự thảo  thiếu khả thi. Ông Minh cũng cho rằng các dụng cụ ở đây là gì? Không phải  gia đình nào cũng làm được.

Đồng tình quan điểm này, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng hiện nhiều gia đình tuy một nhà nhưng có tới vài chủ hộ do ở ghép, trong trường hợp này quy định thế nào. Nên chăng ban soạn thảo cần  đưa quy định theo cấp nhà, cấp vị trí của căn hộ đó.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) băn khoăn và đề nghị cân nhắc quy định này làm sao để triển khai có hiệu quả chứ không phải quy định xong mà không thực hiện được.

Dẫn chứng vụ việc đau lòng tại vụ chìm tàu Cần Giờ cách đây không lâu. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho biết, khi hiểm họa xảy ra người dân hoang mang không biết gọi vào số điện thoại nào để tìm kiếm sự hỗ trợ, hiện mỗi lĩnh vực một số, nên chăng cần luật hóa một số điện thoại để bất cứ sự cố gì cũng có thể gọi đến đây và cơ quan này có trách nhiệm báo cho các đơn vị liên quan, đó phải là một số dễ nhớ và thống nhất trên toàn quốc.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ đối với lực lượng dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở. Nhiều ý kiến cho rằng quy định hỗ trợ thường xuyên cho lực lượng dân phòng như dự thảo là thiếu khả thi vì sẽ làm tăng gánh nặng cho ngân sách, hơn nữa mức độ xảy ra cháy, nổ tại mỗi địa phương, khu vực rất khác nhau. Do vậy đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng có chính sách hỗ trợ cho đối tượng trực tiếp tham gia chữa cháy tại chỗ và quy định thống nhất mức chi, nguồn kinh phí bảo đảm.

Về xử lý các công trình không bảo đảm an toàn PCCC, theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, xử lý các công trình, cơ sở… tồn tại trước khi Luật có hiệu lực là vấn đề rất phức tạp, để xử lý được chắc chắn sẽ có nhiều cơ sở phải di rời. Do vậy các đại biểu kiến nghị cần có quy định rõ cụ thể lộ trình chuyển đổi, có sự thống nhất chung. Vấn đề này cần giao cho Chính phủ xử lý, bởi đây là vấn đề mật thiết  liên quan tới quyền lợi của các chủ doanh nghiệp, do vậy nếu phải giao cho địa phương nên giao cho Hội đồng nhân dân quyết định chứ không giao cho UBND, ông Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, một số vấn đề về phòng cháy đối với công trình cao tầng, công trình trên mặt nước, công trình ngầm, đường hầm và công trình khai thác khoáng sản, về hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy, về phòng cháy đối với chợ, trung tâm thương mại, kho tàng và các khu vực được xây dựng trước khi Luật PCCC 2001 có hiệu lực, về công tác quản lý nhà nước về PCCC cũng được nhiều đại biểu đề cập.

Quỳnh Hoa