Các đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk thảo luận tại tổ chiều 3/6. Ảnh VGP/Lê Sơn |
Đồng thời, trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể.
Cho đến nay, đã có 167/214 (khoảng 78%) quốc gia và vùng lãnh thổ có luật hoặc các quy định pháp lý về trưng cầu ý dân.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trưng cầu ý dân của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật, nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc xác định cụ thể những vấn đề nào phải đưa ra trưng cầu ý dân phụ thuộc vào yêu cầu và điều kiện hoàn cảnh tại từng thời điểm nhất định. Vì vậy, khó có thể quy định cụ thể trong Luật.
Trong Luật nên quy định một cách khái quát, mang tính nguyên tắc những vấn đề có thể được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân như đã thể hiện tại Điều 6 của dự thảo Luật. Theo đó, những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng Quốc hội tôn trọng sự quyết định của nhân dân.
Đồng thời, để có cơ sở cho các chủ thể đề nghị và Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân, đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung các điều kiện và tiêu chí đối với vấn đề được đề nghị trưng cầu ý dân.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa những việc mà Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân, tránh quy định chung chung, khó cho việc thực hiện sau này.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Hà Tĩnh thảo luận chiều 3/6. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Đại biểu Phạm Văn Tấn (Nghệ An) cho rằng, việc trưng cầu ý dân cần thực hiện trên phạm vi cả nước vì đây là thẩm quyền của Quốc hội.
Tuy nhiên, đối với cơ quan có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, bên cạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, đại biểu Tấn đề nghị đưa thêm Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hoặc ít nhất 1/2 đại biểu Quốc hội đề nghị trưng cầu ý dân.
Tán thành quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) đề nghị thêm chủ thể được quyền đề nghị trưng cầu ý dân là Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chứ không như phương án 1 của dự thảo là không có tổ chức này.
Góp ý vào dự thảo Luật, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh đến sự cần thiết để xây dựng thiết chế dân chủ, đảm bảo cho các cơ quan nhà nước có cơ sở đưa ra trưng cầu ý dân các vấn đề lớn của đất nước.
Tuy nhiên, đại biểu Hiền cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của dự thảo Luật là ít điều khoản nhưng lại thiếu mạch lạc, còn rối. Ngoài ra, phạm vi điều chỉnh cần được cụ thể hóa như công dân từ 18 tuổi trở lên được bỏ phiếu trưng cầu ý dân.
Dự thảo Luật cần đảm bảo tính hợp hiến cũng như phù hợp với các văn bản pháp luật khác. Một số khái niệm trong luật còn lẫn lộn như khái niệm giữa cử tri và công dân và nhiều điểm khoản còn quy định cứng nhắc.
“Các quy định cần cụ thể chứ cứ chung chung thì không khả thi khi thực hiện. Vì vậy, luật này chỉ cần khoảng 30 điều mà thôi. Các vấn đề khác thì được quy định trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện trưng cầu ý dân rồi”, ông Nguyễn Đức Hiền nói.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cho rằng, việc ban hành Luật này cần chuẩn bị công phu và có lộ trình. Nếu làm lấy được, không thảo luận kỹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xã hội. Bên cạnh đó, nhiều điều khoản chuẩn bị chưa kỹ, thiếu cụ thể. Vì vậy, Ban soạn thảo cần cố gắng khắc phục các bất cập nêu trên.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) lại cho rằng, trưng cầu ý dân là dịp không nhiều để thể hiện quyền trực tiếp. Đây cũng là vấn đề phù hợp xu thế dân chủ hóa của thời đại, trong quá trình ta hội nhập toàn diện và rộng rãi, nên việc trưng cầu ý dân được trong nước và quốc tế quan tâm.
Về phạm vi, đại biểu tán thành chỉ tiến hành trưng cầu ý dân cả nước vì thống nhất với Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, vì liên quan đến quyền, lợi ích quốc gia. Bên cạnh đó, Luật cần có điều khoản quy định những vấn đề không tổ chức trưng cầu ý dân như toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị…
Dự án Luật Trưng cầu ý dân gồm 9 chương, 56 điều quy định về đề nghị; quyết định; tổ chức; các cơ quan, tổ chức phụ trách; danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu; trình tự, thủ tục bỏ phiếu; quyền, nghĩa vụ của cử tri trong trưng cầu ý dân và kết quả trưng cầu ý dân.
Lê Sơn