Theo Báo cáo của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2014 được triển khai thực hiện trong điều kiện tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, áp lực lạm phát và cơ cấu lại nền kinh tế lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh tuy đã có bước phục hồi, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hàng tồn kho và nợ xấu còn lớn, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc tạm dừng hoạt động... Bên cạnh đó thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Để triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2014 đã được Quốc hội quyết định, ngay từ đầu năm Chính phủ đã có Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014; cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; những khó khăn đã từng bước được khắc phục, nền kinh tế nước ta có những chuyển biến tích cực, sản xuất kinh doanh duy trì được đà phục hồi và phát triển, nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đạt và vượt mức dự báo đầu năm; lạm phát được kiềm chế, dư nợ tín dụng và dự trữ ngoại tệ được cải thiện...
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIII đã quyết định nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2014: Tổng số thu 782.700 tỷ đồng; tổng số chi: 1.006.700 tỷ đồng; bội chi: (-) 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% GDP. Các khoản quản lý thu, chi qua NSNN là 125.114 tỷ đồng. Các khoản vay về cho vay lại là 46.100 tỷ đồng.
Nhiệm vụ chi NSNN năm 2014 đã được thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Công tác quản lý, kiểm soát NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và Nghị quyết của Quốc hội. Chi chuyển nguồn năm 2014 sang năm 2015 do triển khai chậm là 14.580 tỷ đồng, bằng 6,2% tổng số chi chuyển nguồn và bằng 1,1% tổng chi NSNN, giảm cả về số tuyệt đối và tỉ trọng so với năm 2013 (số năm 2013 là 19.215 tỷ đồng, bằng 1,5% tổng chi NSNN).
Thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014, các đại biểu cơ bản đồng ý với Báo cáo của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 cũng như cơ bản thống nhất với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014; cho rằng, kết quả thu, chi NSNN năm 2014 cơ bản đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Quốc hội quyết định; bảo đảm nguồn thực hiện nhiệm vụ theo dự toán ngân sách, đồng thời có thêm nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, thực hiện các chính sách an sinh xã hội; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; bảo đảm an ninh, quốc phòng...
Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam); đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) đề nghị, trong thực hiện thu chi ngân sách cần hết sức quan tâm đến công tác chống thất thu thuế; cân nhắc, tính toán chặt chẽ trong đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, không hiệu quả; chú trọng hơn nữa trong chi đầu tư cho phát triển khoa học-công nghệ; khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý nợ công.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) và Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội), Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM), để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác quản lý thu chi cần hết sức chú ý dành sự quan tâm hơn nữa trong việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; kỷ cương, kỷ luật phải được thực hiện nghiêm minh ở các cấp, các ngành. Đi liền với đó là triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại; nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết cắt giảm các khoản chi không cần thiết, nhất là chi cho hội họp, hội thảo, đi công tác nước ngoài...
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng đề xuất cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch trong báo cáo các khoản thu-chi cũng như đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý thu-chi ngân sách; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, sử dụng NSNN...