Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trước đó, trình bày dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, Quốc hội quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Kết quả biểu quyết bằng điện tử cho thấy, 452/452 đại biểu Quốc hội, đạt tỷ lệ 100% (bằng 94,56 % tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Cũng tại phiên họp, với 446/446 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 100% (bằng 93,31% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ủy ban gồm 15 thành viên, trong đó, Chủ tịch Ủy ban là Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Các Phó Chủ tịch Ủy ban có: Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long.
Ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp; giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp.
Sau khi lấy ý kiến, Ủy ban sẽ giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Nghị quyết giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp là cơ quan thường trực trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ủy ban; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tại Tổ 1
Trước đó, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Tổ và phiên toàn thể tại Hội trường về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Phát biểu thảo luận tại Tổ 01 (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp quan trọng, vì vậy khai mạc sớm 2 tuần so với thường lệ để có đủ thời gian xem xét các nội dung, trong đó có sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp cần đảm bảo đúng quy trình, quy định, tiến hành lấy ý kiến Nhân dân.
“Dù chỉ sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013, nhưng các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra của Quốc hội, Chính phủ làm việc rất chu đáo, khẩn trương”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.
Cùng với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng cho biết, chúng ta có thể tính đến việc bổ sung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với tầm nhìn dài hạn hơn. Cụ thể, tại Đại hội lần thứ XIV tới đây của Đảng ta sẽ bàn thảo và quyết định việc bổ sung Cương lĩnh này ra sao, đặc biệt sau khi đã tiến hành tổng kết 40 năm Đổi mới, đồng thời định hình đất nước giai đoạn mới phát triển như thế nào.
Theo Tổng Bí thư, chúng ta hiện đang phải tiến hành đồng thời nhiều công việc, “việc này phối hợp với việc kia”, trong đó, tập trung cho đại hội đảng các cấp, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy.
Nhấn mạnh bối cảnh này, Tổng Bí thư cho rằng: “Muốn tổ chức Đại hội thành công, chúng ta phải có bộ máy, kể cả bộ máy hành chính và bộ máy của Đảng; đồng thời, phải bảo đảm được các công việc thường xuyên và yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội”.
Tổng Bí thư cũng đánh giá cao những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội trong 4 tháng đầu năm 2025, trong đó có một số chỉ tiêu đạt kết quả đáng mừng như tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 48% kế hoạch cả năm, tăng 26,3% so cùng kỳ năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt trên 275 tỷ USD, tăng 15%, xuất siêu đạt trên 5 tỷ USD...Đây là sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn trong bối cảnh chúng ta gặp nhiều khó khăn thách thức với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội rất lớn.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ rõ, để đất nước phát triển, thì chúng ta phải đạt được những yêu cầu đã đặt ra, đó là phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, văn hóa, y tế…; có như vậy mới bảo đảm đủ nguồn lực để phát triển. Cùng với đó, cần tiếp tục cải thiện điều kiện sống của người dân; “đất nước phát triển thì người dân phải được thụ hưởng những thành quả đó”; điều này tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn sau - giai đoạn phát triển rất quan trọng của đất nước.
“Việc hoàn thành các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII giúp chúng ta đặt mục tiêu, chỉ tiêu cho nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng. Đây là cơ sở để chúng ta hoàn toàn tin tưởng việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Tổng Bí thư khẳng định.
Với tinh thần đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị các đại biểu lắng ý kiến của Nhân dân khi góp ý sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013. Dự kiến ngày 18/5 tới, Bộ Chính trị sẽ tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
“Những vấn đề gì được thể chế hóa bằng các văn bản của Quốc hội đều được xem xét để xử lý ngay khi chúng ta có các nghị quyết về vấn đề nêu trên...”, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ.
Thu Giang