(VOV) - Lá phiếu thể hiện tinh thần trách nhiệm của cử tri và kỳ vọng của cử tri đối với những người đại diện cho dân thực hiện quyền làm chủ về nhà nước, để quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Tự hào về sự phát triển của Quốc hội 12 khóa trước, chúng ta quyết tâm tổ chức tốt cuộc bầu cử Quốc hội khóa 13 để tiếp tục hoàn thiện cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước, để Quốc hội Việt Nam thực sự là Quốc hội ra đời từ lòng dân, hết lòng vì dân, vì nước, làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ đại biểu của nhân dân. Đó chính là quá trình hoàn thiện Quốc hội nước nhà theo tư tưởng “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến bây giờ dù đã ở 88 tuổi nhưng cụ Nguyễn Hồng Anh, quê ở Nghệ An, nay trú tại xã Thọ Lộc huyện Phúc Thọ TP Hà Nội vẫn không quên cảm giác được làm một cử tri lần đầu tiên tự tay cầm lá phiếu bầu cử Quốc hội khóa 1, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của chế độ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Nhắc lại chuyện cũ, cụ Nguyễn Hồng Anh không khỏi tự hào: “Bị nô lệ hàng bao nhiêu năm, bấy giờ độc lập, phấn khởi lắm. Cả nhà tôi, con, cháu, anh em bàn tán với nhau là nên bầu ông nào vào Quốc hội… Hồi đó tôi nhớ ở ngay thị xã Vinh là một cái kỳ đài to lắm, cả hòm phiếu nữa. Bộ đội gác xung quanh oai lắm. Đồng bào đi từ Vinh xuống đến Bến Thủy, mang cờ, hô vang khẩu hiệu. Tự hào làm người dân độc lập, sướng lắm!”.
Việc tổ chức bầu cử Quốc hội chỉ sau 4 tháng tuyên bố độc lập là một quyết định sáng suốt và quyết đoán của Hồ Chủ tịch. Bởi chỉ có nhanh chóng bầu ra Quốc hội của toàn dân thì mới lập nên nhà nước cách mạng, mới bảo vệ được nền độc lập, tự do cho dân tộc. Giữa bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc của chính quyền non trẻ, Hồ Chủ tịch kêu gọi:"Hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái". Nhân dân ta đã “tỏ rõ tư cách của người công dân nước Việt Nam và ý chí đoàn kết, không chia rẽ", “tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước". 89% cử tri đi bỏ phiếu bầu quốc hội thể hiện tinh thần thần đoàn kết toàn dân, khát vọng dân tộc độc lập, non sông thống nhất.
403 đại biểu Quốc hội khóa 1 với đầy đủ các thành phần: công nhân, nông dân, trí thức, tư sản, người buôn bán….có cả 70 ghế của các đảng phái khác nhưng chung qui vẫn là Quốc hội của dân tộc được bầu lên từ lòng dân. Bởi người dân hiểu được rằng chính quyền Cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc. Giáo sư sử học Văn Tạo khẳng định: “Lòng dân có đi với Đảng, với cách mạng hay không là quyền lợi của dân có được thực hiện hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc, mọi người đi bầu quốc hội là bầu quốc hội cho dân tộc vì ai cũng muốn được độc lập. Có độc lập mới được tự do. Khi chúng ta thành lập Mặt trận Việt Minh thì chỉ có một số người tiên phong cách mạng. Sau này chúng ta đoàn kết rộng rãi tất cả, kháng chiến chống ngoại xâm, thống nhất đất nước. Lòng dân muốn nước Việt Nam độc lập thống nhất. Đấy! Thắng lợi của cách mạng là ở lòng dân”.
Trải qua 12 khóa, dù ở giai đoạn lịch sử nào, Quốc hội Việt Nam cũng đều thể hiện rõ chức năng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân, có quyền lập hiến và lập pháp, quyết định những vấn đề trọng yếu của quốc gia. Sự trưởng thành của Quốc hội là quá trình thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền thông qua việc cải tiến và nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, ra quyết định và giám sát việc thực hiện các quyết định đó.
Phó Giáo sư Sử học Lê Mậu Hãn cho rằng: 12 khóa đã qua và Khóa 13 này cũng vậy, để Quốc hội thực sự là “của dân, do dân, vì dân” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì thực hành dân chủ trong hoạt động của Quốc hội là một vấn đề vừa thời sự và thiết thực, vừa rất nhạy cảm và hệ trọng. Phó Giáo sư Lê Mậu Hãn cho rằng: “Từ bài học kinh nghiệm khóa 1, nâng lên trong tầm cao mới, trong thời kỳ mà chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền; trong điều kiện đó, quyền của dân được tư vấn, được góp ý thế nào… Quốc hội phải lắng nghe, phải tôn trọng. Quốc hội phải luôn luôn thực hiện nhiệm vụ quyết định và giám sát. Quốc hội phải thực thi những điều mà toàn dân mong muốn. Điều toàn dân mong muốn cũng là nhu cầu phát triển của dân tộc vì lợi ích tối cao- độc lập tự do. Ngày trước độc lập tự do là đánh thắng giặc giành độc lập. Bây giờ là dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, hội nhập và phát triển. Toàn dân tộc phát huy sức mạnh, ý chí thống nhất và ra sức xây dựng đất nước này về mọi mặt. Cái gì có lợi thì dân tin, dân làm…”
Ngày bầu cử đang đến, những ứng cử viên ưu tú nhất chắc chắn sẽ được cử tri chọn lựa bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Bởi lá phiếu là thể hiện tinh thần trách nhiệm, là lòng mến yêu, kỳ vọng của cử tri đối với những người đại diện cho dân thực hiện quyền làm chủ về nhà nước, để quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Cử tri trên dưới một lòng lựa chọn và bầu ra Quốc hội; Cử tri cũng mong Quốc hội hết lòng vì dân, vì nước, làm tròn nhiệm vụ đại biểu của dân, không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, thực hiện tốt chức năng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.
Nguyễn Vân Thiêng