In bài viết

Quốc hội xem xét dự án Luật Kiến trúc

(Chinhphu.vn) – Họp phiên toàn thể tại Hội trường sáng 24/10, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án Luật Kiến trúc.

24/10/2018 10:00

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trình bày Tờ trình dự án Luật Kiến trúc. Ảnh: Nhật Bắc
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, thực tiễn phát triển và yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam cho thấy việc ban hành Luật Kiến trúc là hết sức cần thiết, nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài; xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế.

Luật được xây dựng với mục đích tạo công cụ pháp lý có hiệu lực cao để điều chỉnh cơ bản quá trình phát triển và tạo môi trường tốt cho hoạt động kiến trúc, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Phát huy vai trò của kiến trúc sư, các tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc và xã hội trong hoạt động kiến trúc. Bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng luật là: Phù hợp và thể chế hóa định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về kiến trúc. Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế, xã hội yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

Đồng thời, đề xuất các chính sách quản lý Nhà nước về kiến trúc, hành nghề kiến trúc và thể hiện thành quy phạm pháp luật cụ thể. Bảo đảm sự hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật có liên quan, xử lý tốt các vấn đề chuyển tiếp. Tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan và Việt Nam tham gia. Bảo đảm tính minh bạch, khả thi, thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, dự thảo Luật Kiến trúc được bố cục thành 4 chương, tổng cộng 37 điều, quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ Việt Nam.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Kiến trúc do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Ủy ban KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày tại phiên họp nhấn mạnh, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành các nội dung đã nêu như trong Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, việc xây dựng Luật Kiến trúc đã được cơ quan quản lý Nhà nước và giới kiến trúc sư đề xuất từ hơn 20 năm trước nhằm khắc phục các hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Như vậy, việc ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết.

Về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của luật, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng cho biết, đa số ý kiến thẩm tra thống nhất với phạm vi điều chỉnh và tên gọi của luật như trong dự thảo vì cơ bản đã phản ánh được các chính sách về kiến trúc, đáp ứng mục tiêu quản lý, phát triển và hành nghề kiến trúc như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đặt ra đối với Luật Kiến trúc. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật về việc gìn giữ bản sắc kiến trúc Việt Nam; bảo tồn, phát huy kiến trúc các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật nên chỉ tập trung vào nội dung hành nghề kiến trúc và theo đó tên gọi của luật là Luật Kiến trúc sư.

Về quản lý kiến trúc (Chương II), đa số ý kiến thống nhất với dự thảo luật là cần có Chương II quy định về chính sách cơ bản của kiến trúc, là công cụ quản lý cần thiết, nhằm khắc phục tình trạng không ít công trình có kiến trúc phản cảm, chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Đồng thời, ngoài các quy định như trong dự thảo luật thì cần bổ sung thêm các quy định mang nội hàm phát triển như: Chính sách, định hướng phát triển đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiến trúc sư; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về kiến trúc... Các quy định về phát triển kiến trúc sẽ là cơ sở pháp lý để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của các kiến trúc sư, tạo tiền đề phát triển nền kiến trúc nước nhà. Các quy định này có thể bố cục, sắp xếp theo hướng tách riêng hoặc lồng ghép trong dự thảo luật sao cho phù hợp.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm về sự cần thiết của nội dung này, vì nhiều quy định có tính khả thi chưa cao; chưa thể hiện được nguyên tắc quản lý và phát huy bản sắc kiến trúc dân tộc.

Đề cập đến quy định về dịch vụ kiến trúc và phạm vi hành nghề kiến trúc (Điều 16), Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng cho hay, đa số ý kiến cho rằng danh mục các dịch vụ kiến trúc là chưa bao quát đầy đủ, vì các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực kiến trúc là khá phong phú, luôn phát triển và các dịch vụ này không chỉ do các kiến trúc sư chuyên ngành kiến trúc hành nghề cung cấp.

Có ý kiến khác đề nghị không cần quy định cụ thể về dịch vụ kiến trúc. Các dịch vụ này do tổ chức hành nghề kiến trúc thực hiện và hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp.

Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy cần thiết phải quy định về dịch vụ kiến trúc và phạm vi hành nghề kiến trúc. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ thêm các ý kiến: (1) Kiến trúc sư có thể hành nghề độc lập hoặc tham gia cung cấp các dịch vụ kiến trúc trong tổ chức hành nghề; (2) Kiến trúc sư không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Nếu hành nghề độc lập, cung cấp một số dịch vụ kiến trúc hoặc đảm nhận một số chức danh (như chủ trì thiết kế kiến trúc; người chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề…) thì kiến trúc sư đó phải có chứng chỉ hành nghề; (3) Cần rà soát các quy định về dịch vụ kiến trúc, phạm vi hành nghề kiến trúc để bảo đảm đầy đủ, phù hợp hơn với thực tiễn nước ta cũng như thông lệ quốc tế.

Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc (Điều 21), một số ý kiến đề nghị xem xét các quy định về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc cho phù hợp. Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát, xem xét các quy định có liên quan đến điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc như: Trình độ chuyên môn; quá trình tập sự hành nghề; đạo đức hành nghề; phát triển nghề nghiệp liên tục…

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, qua nghiên cứu, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy về cơ bản, hồ sơ dự án Luật Kiến trúc của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo đã tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật; tham khảo chính sách, pháp luật về kiến trúc của một số quốc gia; đánh giá tác động của việc ban hành luật; đã có dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện luật. Nội dung dự thảo luật có nhiều quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý Nhà nước và yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoạt động kiến trúc./.

Nguyễn Hoàng