Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của nhân dân và cử tri cả nước.
Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, dân tộc, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề có liên quan, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung thực hiện những giải pháp, cam kết, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được chất vấn, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chương trình, chiến lược trong các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng và các quy định của pháp luật.
Cụ thể, đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội: Triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, luật, nghị quyết của Quốc hội và chiến lược, quy hoạch về giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Tiếp tục hoàn thiện chính sách đào tạo nghề, ưu tiên cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế.
Thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, các giải pháp phân luồng trong giáo dục phổ thông; triển khai việc vừa đào tạo nghề và dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm học sinh tốt nghiệp vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông vừa có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề. Đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, hạn chế tình trạng sa thải lao động, nhanh chóng đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động, khắc phục những hạn chế của chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Khẩn trương hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về lao động và việc làm, hướng tới quản trị thị trường lao động, việc làm hiện đại, linh hoạt, chủ động, đáp ứng yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp với quá trình phát triển kinh tế số.
Đối với lĩnh vực dân tộc: Quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đặc biệt là Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; nghiên cứu sửa đổi, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2030.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác dân tộc; tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về quy hoạch, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; cải cách thủ tục hành chính để thu hút, huy động nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, đối tượng nghèo là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số;...
Khẩn trương rà soát, ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, quan tâm hướng dẫn nguyên tắc đối với các địa phương tự cân đối ngân sách để thực hiện Chương trình này.
Hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên ở các khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt sang mục đích ngoài lâm nghiệp; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp vào năm 2026, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự.
Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ: Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng bộ các chính sách, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ bảo đảm từ 2% tổng chi ngân sách trở lên theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; thống kê, tổng hợp số liệu, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ tại các cơ quan, địa phương. Rà soát, đơn giản hóa thủ tục thanh, quyết toán kinh phí nghiên cứu khoa học, mở rộng cơ chế giao khoán sản phẩm. Có giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn.
Rà soát, sắp xếp tổ chức khoa học và công nghệ công lập gắn với định hướng ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Xây dựng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo hướng phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học và công nghệ. Triển khai các giải pháp, đặc biệt chú trọng đầu tư để cơ sở giáo dục đại học trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trung tâm đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ trình độ cao.
Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về công nghệ cao, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đánh giá hiệu quả việc đầu tư các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ bền vững...
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải: Cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Nghiên cứu triển khai các giải pháp về an toàn giao thông, chống ùn tắc ngay từ khi lập các quy hoạch thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát điểm tiềm ẩn tai nạn, xử lý dứt điểm các "điểm đen".
Tiếp tục cơ cấu lại thị trường vận tải theo hướng giảm thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần vận tải đường thủy, hàng hải, đường sắt, hàng không; đẩy mạnh phát triển ngành logistics để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics trong GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quy hoạch, đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông công cộng khu vực đô thị, nhất là các tuyến đường sắt đô thị và liên tỉnh, gắn với lộ trình hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tại các đô thị lớn; thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD).
Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về đăng kiểm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm, bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2023, thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đăng kiểm; đẩy mạnh xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ đăng kiểm.
Khẩn trương hoàn thiện quy định của pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông; nghiên cứu giải pháp quản lý sau đào tạo đối với lái xe kinh doanh vận tải. Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực hành vi, sức khỏe. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý giấp phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết; Bộ trưởng các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết và báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết tại các Kỳ họp sau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết này.
Hải Liên