In bài viết

Quốc Oai: Dốc sức xây nông thôn mới

HNP - Cùng với các huyện ngoại thành Hà Nội, năm 2011 được coi là năm xây dựng nông thôn mới (NTM) của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Quốc Oai. Bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp: Nền kinh tế đang trong quá trình chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ và quá trình đô thị hóa; chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ lao động thiếu việc làm cao... Vượt lên khó khăn, huyện Quốc Oai đã và đang dồn sức xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2020, cơ bản các xã trong huyện đạt các tiêu chí NTM.

13/01/2012 12:30


Đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Ông Hoàng Sen, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết: Quốc Oai là huyện có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong phát triển kinh tế, bởi huyện được phân ra 3 vùng rõ rệt: Vùng bãi Đáy, vùng vàn và vùng bán sơn địa. Mỗi vùng có một thế mạnh riêng, vùng bãi Đáy đất đai phì nhiêu phù hợp cho trồng cây ăn quả, sản xuất rau màu; vùng vàn đất đai bằng phẳng thuận lợi về giao thông, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, phát triển CN, TTCN và dịch vụ; vùng bán sơn địa phù hợp đầu tư phát triển sinh thái, cây CN. Phát huy thế mạnh và tiềm năng sẵn có, đồng thời tạo đà xây dựng NTM, huyện Quốc Oai tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh giá trị sản xuất CN, TTCN, xây dựng và dịch vụ thương mại, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề; giảm tỷ trọng ngành sản xuất nông nghiệp.

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trong phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân 15,1% (năm 2010); giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ bình quân tăng 17,65%; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 514,2 tỷ đồng. Bình quân thu nhập đầu người đạt 13,7 triệu đồng/năm. Cùng với bước chuyển mạnh của nền kinh tế, trình độ văn hóa của lao động nông thôn có nhiều tiến bộ, số lao động đã qua đào tạo đạt 26%, là huyện được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội những năm qua được huyện quan tâm đầu tư, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế, và phục vụ đời sống nhân dân. Tính đến hết năm 2010, huyện đã kiên cố hóa được nhiều tuyến đường giao thông nông thôn; hệ thống thủy lợi, đê điều, được đầu tư bảo đảm tưới tiêu chủ động cho trên 70% diện tích đất nông nghiệp; 100% trạm y tế xã có Bác sỹ; 100 % các xã có hệ thống điện lưới quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực nông thôn của huyện còn không ít khó khăn, như: Cơ sở vật chất phục vụ y tế, văn hóa, giáo dục ở một số xã chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; nhiều công trình phục vụ dân sinh xuống cấp chưa được đầu tư cải tạo kịp thời. Đáng chú ý, môi trường sản xuất và đời sống của nhân dân ngày càng bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các xã có làng nghề truyền thống, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, lâm sản...

Đến năm 2020, hoàn thành xây dựng NTM

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Quốc Oai chỉ đạo xã Nghĩa Hương làm điểm xây dựng NTM, phấn đấu đến hết năm 2012 xã Nghĩa Hương cơ bản đạt tiêu chí mô hình NTM thời kỳ CNH-HĐH. Giai đoạn 2011-2015, Quốc Oai tiếp tục chọn 7 xã triển khai xây dựng NTM, gồm: Sài Sơn, Phượng Cách, Đồng Quang, Tân Phú, Thạch Thán, Ngọc Liệp, Phú Cát; các xã còn lại triển khai tiếp trong năm tiếp theo. Ông Dương Tôn Kiên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM toàn huyện dự kiến hơn 6.624 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, vì vậy, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương và thành phố, huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các xã huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM. Hiện tại, huyện Quốc Oai chỉ đạo các xã tập trung rà soát toàn bộ diện tích đất dự kiến đưa vào kế hoạch đấu giá, giãn cư... để lập kế hoạch thực hiện đề án xây dựng NTM. Ngoài ra, các xã huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp và người dân tự nguyện tham gia đóng góp tiền, ngày công xây dựng NTM.

Để sớm hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, cơ bản các xã trong huyện Quốc Oai đạt tiêu chí NTM, ngay từ bây giờ huyện Quốc Oai chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ gắn với phát triển đô thị; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, nhất là ở vùng khó khăn; tập trung vào việc dồn điển, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý; xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn NTM.

Trước mắt, huyện Quốc Oai ưu tiên xây dựng hệ thống cơ sở trường học; trạm y tế; cải tạo và nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi phục vụ việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Huyện Quốc Oai phấn đấu đến năm 2015 kiên cố hóa 100% số phòng học các cấp nhằm phục vụ tốt công tác dạy và học; hoàn thành việc nhựa hóa, bê tông hóa hệ thống đường giao thông liên xã, trục xã, trục thôn, 90% đường ngõ xóm và 80% đường trục chính nội đồng, đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất của nhân dân; 95% số dân được sử dụng nước sạch. Đồng thời, huyện và các xã tập trung vào công tác Quy hoạch, phấn đấu đến hết năm 2012 hoàn thành việc lập quy hoạch xây dựng NTM cấp huyện và 20 xã nhằm tạo bước đột phá trong xây dựng NTM.

Huyện Quốc Oai phấn đấu:

- Đến cuối năm 2015 cơ cấu kinh tế là: CN- xây dựng 54%; dịch vụ 33%; nông, lâm- thủy sản 13%.
- Thu nhập bình quân đầu người đạt 28-30 triệu đồng/người/năm
- Duy trì tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao, bền vững; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ.
- Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ổn định, bền vững, gắn với thị trường ven đô, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi 392 ha (trong đó chăn nuôi 24,2 ha, rau an toàn 300 ha, nuôi trồng thủy sản tập trung 70 ha). Mỗi xã tập trung xây dựng ít nhất một cánh đồng có giá trị kinh tế cao, giá trị thu nhập đạt bình quân 100 triệu/ha/năm.

Thu Uyên