In bài viết

Quốc tế dự báo Việt Nam tăng trưởng cao dù khó khăn, thách thức gia tăng

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng tiếp tục phục hồi, ổn định, nên dù khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng, song các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt mức cao.

03/03/2023 09:47
Quốc tế dự báo Việt Nam tăng trưởng cao dù khó khăn, thách thức gia tăng - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 2 và 2 tháng; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo báo cáo, trong tháng, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhất là diễn biến xung đột Nga - Ukraine và phản ứng của các nước lớn. Lạm phát tuy đã giảm dần nhưng duy trì mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro; dự báo khả năng các nước thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ; tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm cùng tăng trưởng thấp tại nhiều nền kinh tế. Thị trường bất động sản ở một số quốc gia sụt giảm mạnh, tác động trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất; gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp... Cạnh tranh chiến lược, bất ổn địa chính trị, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng khó lường.

Đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc có những tín hiệu khả quan, sẽ tác động tới giá dầu thế giới, có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lạm phát toàn cầu, gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa của các nước ASEAN, nơi có cơ cấu sản xuất, xuất khẩu có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc.

Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ các công việc được giao ngay sau Tết, thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong sản xuất kinh doanh; theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động; tổ chức nhiều hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 chương trình mục tiêu quốc gia…, kiểm tra, đôn đốc tiến độ tại hiện trường các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn; đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch; tích cực hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5… khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển KTXH.

Vốn FDI đăng ký cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2022

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tháng 2 và 2 tháng đầu năm tình hình phát triển KTXH đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Theo đó, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Mặc dù so với cùng kỳ, lạm phát tăng cao những tháng cuối năm 2022, nhưng 2 tháng đầu năm 2023 lạm phát đã được kiểm soát ở mức phù hợp. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2/2023 tăng 4,31%, thấp hơn CPI tháng 1/2023 (tăng 4,89%); bình quân 2 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước (mục tiêu cả năm theo Nghị quyết Quốc hội là khoảng 4,5%). Với sự nỗ lực, phấn đấu, khả năng cả năm sẽ kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội giao.

Triển khai chương trình phục hồi và phát triển, đến nay đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 81,1 nghìn tỷ đồng, trong đó: (i) Cho vay tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.056 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất đạt 1.185 tỷ đồng; (ii) Hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.744 tỷ đồng; (iii) Hỗ trợ 2% lãi suất đạt 134 tỷ đồng; (iv) Giảm thuế, phí, lệ phí là 52.623 tỷ đồng (đã hết thời gian thực hiện), hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất cho vay bắt đầu có xu hướng giảm; thanh khoản hệ thống ngân hàng được bảo đảm; điều hành tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước.

Thu ngân sách nhà nước 2 tháng ước đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa đạt 23,6% dự toán, tăng 17%. Cán cân thương mại tháng 2 ước xuất siêu 2,3 tỷ USD, tính chung 2 tháng xuất siêu 2,82 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới có tín hiệu tích cực, 2 tháng đạt 1,76 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2022. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tích cực, sức cầu tiêu dùng trong nước tăng cao, các hoạt động kinh tế nhanh chóng trở lại bình thường sau Tết.

Sản xuất nông nghiệp ổn định, bảo đảm tiến độ gieo trồng vụ Đông Xuân; chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Sản lượng thủy sản tháng 2 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 2 tháng tăng 1,3% nhờ triển vọng tích cực từ các thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 ước tăng 5,1% so với tháng trước, người lao động đã quay trở lại làm việc, nhất là tại một số địa phương trọng điểm công nghiệp, như Bình Dương (tăng 23,3%), Hải Dương (tăng 13,7%), TPHCM (tăng 12,4%), Đồng Nai (tăng 10,1%), Hà Nội (tăng 9,4%)… Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2/2023 đạt 51,2 điểm (trên 50 điểm là sản xuất được mở rộng), cho thấy sản xuất đã có dấu hiệu tích cực trở lại, kết thúc chuỗi giảm kéo dài 3 tháng trước đó. S&P Global đánh giá, kết quả này cho thấy ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện sau thời kỳ suy giảm kéo dài ba tháng.

Thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 13,2% và tính chung 2 tháng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2022 giảm 1,1%). Du lịch phục hồi nhanh, khách quốc tế 2 tháng đạt trên 1,8 triệu lượt khách, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước.

Tiếp tục chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách

Chính phủ tiếp tục chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, tháo gỡ rào cản về quy định cho các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, nhất là về đất đai, tổ chức tín dụng, chuyển đổi số, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ người tiêu dùng...; triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng; hoàn thiện cơ chế điều phối, phát triển vùng, triển khai Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM.

Tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân. Tiếp tục làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, các đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, đặc biệt là tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu kinh tế, góp phần bảo đảm đời sống người dân, giữ vững ổn định xã hội.

Phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Trong tháng, các lễ hội đầu xuân diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi; nhiều chương trình, hoạt động nghệ thuật, chính trị ý nghĩa, kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2); 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam… Qua đó, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy tinh thần yêu nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy du lịch tại các địa phương.

Ngành giáo dục tập trung bảo đảm tiến độ chương trình, nội dung năm học 2022-2023; tích cực chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023; tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chế độ, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo để kịp thời có giải pháp bảo đảm đời sống giáo viên.

Ngành y tế tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh khác; không để xuất hiện, lây lan dịch bệnh, nhất là trong thời gian diễn ra nhiều lễ hội, tập trung đông người và thời tiết chuyển mùa nồm, ẩm... Tập trung xử lý, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh lớn.

Quốc phòng an ninh được bảo đảm. Theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động, bất ngờ; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn; xử lý nghiêm hành vi tung tin xấu, tin giả; tăng cường phòng, chống cháy nổ; xử lý nghiêm hành vi sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi lái xe.

Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại; kịp thời triển khai lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần nâng cao quan hệ đối tác song phương, hình ảnh Việt Nam; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế…

Phản ứng chính sách kịp thời, chủ động

Với kết quả nói trên, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt mức cao (IMF kỳ vọng Đông Nam Á sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, với 5 nền kinh tế lớn nhất trong đó có Việt Nam; Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng GDP đạt 7,2%...). Nhiều tổ chức, ngân hàng quốc tế như WB, IMF, ADB, UOB, Standard Chartered… tiếp tục đánh giá cao Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu nước nước ngoài.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng. Do tác động của tình hình thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các thị trường và kiểm soát lạm phát tăng cao. Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Tình hình đó yêu cầu cần có các giải pháp điều hành chủ động, quyết liệt, chính xác, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn, phù hợp với diễn biến tình hình để không làm tăng thêm và hóa giải các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan và địa phương tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội; Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán; phản ứng chính sách kịp thời, chủ động trước các yếu tố rủi ro, tình huống mới phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định, an toàn các thị trường tài chính, tiền tệ; phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%); thực hiện 3 đột phá chiến lược, các định hướng lớn…

Chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021), chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước đây. Thứ hạng của Việt Nam trên một số bảng xếp hạng quốc tế tiếp tục được cải thiện, là điểm đến đầu tư hấp dẫn, duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới.

Cụ thể, trình độ phát triển thị trường tăng 6 bậc, từ vị trí thứ 90 lên vị trí thứ 84. Chỉ số thành phần Tự do kinh doanh tăng 8,4 điểm. Tăng 2 bậc về Quyền tài sản, cải thiện 17 bậc về Cảm nhận tham nhũng. Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody's, S&P và Fitch (Fitch xếp hạng Việt Nam ở mức BB; triển vọng Tích cực. Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. S&P Global Ratings nâng bậc xếp hạng của Việt Nam lên BB+; triển vọng Ổn định).

Hà Văn