Theo thống kê, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn khoảng 800.000 tấn bom đạn sót lại sau chiến tranh, gần 20% diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn và hơn 100.000 người bị chết và bị thương từ sau cuộc chiến, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Hỗ trợ nạn nhân bom mìn được thực hiện với nhiều hoạt động như thu thập dữ liệu (khảo sát các nạn nhân bom mìn và tai nạn, theo dõi tai nạn bom mìn), xây dựng hệ thống chính sách pháp luật và cơ sở dữ liệu của nạn nhân bom mìn tích hợp thống nhất với hệ thống thông tin quản lý người khuyết tật, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, tạo việc làm, đào tạo nghề, thông tin truyền thông, tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống của nạn nhân.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTB&XH) Lê Kim Dung cho biết, trong những năm vừa qua, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh, minh chứng rõ ràng nhất là “Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025”. Đặc biệt, kế hoạch hỗ trợ nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng lồng ghép trong chương trình hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2017-2020 đã được xây dựng, tập trung vào các hoạt động cứu chữa kịp thời cho nạn nhân bom mìn, hỗ trợ mô hình kế sinh nhai cho nạn nhân bom mìn, tăng cường năng lực trợ giúp xã hội nạn nhân bom mìn, xây dựng cơ chế phát triển dịch vụ xã hội.
Tuy nhiên, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đòi hỏi nguồn nhân lực, vật lực rất lớn, cần huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Trưởng đại diện tổ chức The International Center (IC) cho rằng: “Việc đưa ra chương trình trợ giúp nạn nhân bom mìn sẽ là một bước tiến quan trọng đối với công tác khắc phục nói chung và hỗ trợ nạn nhân nói riêng ở Việt Nam. Các nhà tài trợ, các tổ chức trong nước và quốc tế sẽ có cơ sở để lên kế hoạch trợ giúp của họ đối với nạn nhân bom mìn ở Việt Nam, dựa trên các mục tiêu mà Chương trình đưa ra”.
Tại hội thảo, các đại biểu từ các tổ chức trong nước và quốc tế đã thảo luận các giải pháp nhằm đẩy mạnh việc triển khai công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn; chia sẻ kinh nghiệm và kế hoạch trợ giúp nạn nhân bom mìn tái hòa nhập cộng đồng, phát triển sinh kế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hội nghị là dịp để các bên cập nhật thông tin về các hoạt động của các đơn vị, các địa phương, các hội và các đối tác quốc tế trong việc hỗ trợ nạn nhân bom mìn nói riêng và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh nói chung cũng như định hướng ưu tiên của các bên trong thời gian tới.
Thu Cúc