In bài viết

Quốc tế nhận định về Đại hội XII của Đảng

(Chinhphu.vn) - Ngày 20/1, Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Báo chí quốc tế đã có nhiều bài viết phản ánh công tác chuẩn bị và đánh giá của các chuyên gia phân tích về sự kiện trọng đại này.

20/01/2016 09:14

Tiến hành trang trí tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia chào mừng Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam - Ảnh: Reuters.
Trong bài xã luận trên trang thông tin điện tử của mình ngày 19/1, Hãng thông tấn Cuba Prensa Latina nhận định Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, diễn ra từ ngày 20-28/1 tại Hà Nội, là một cột mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình đổi mới toàn diện và đồng bộ được tiến hành từ năm 1986.

Bài viết nhận định trong 30 năm thực thi chính sách Đổi mới vừa qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về kinh tế-xã hội, văn hóa, chính trị và ngoại giao.

Trong đó, thành tựu nổi bật cần nhắc đến chính là sự chuyển mình của Việt Nam, từ một quốc gia nghèo trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, giành được vị thế quốc tế đáng kể trong quan hệ ngoại giao cũng như thương mại với các nước.

Bài viết nhấn mạnh với mục tiêu rõ ràng là duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phát triển bền vững và đổi mới toàn diện để xây dựng một quốc gia thịnh vượng, công bằng và văn minh, thúc đẩy dân chủ và coi con người là nhân tố chính của mọi hoạt động, Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII với trọng tâm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại.

Tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong cho biết, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII có tầm quan trọng khi các đại biểu tham dự Đại hội sẽ bầu ra các vị trí lãnh đạo cao nhất cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Tờ báo cũng nhận định, đây sẽ là sự kiện "định hình tương lai Việt Nam", nơi các nhà lãnh đạo được Đại hội lựa chọn sẽ chèo lái con thuyền đất nước vượt qua những thử thách trước mắt và lâu dài, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước.

SCMP dẫn lời ông Lê Hồng Hiệp, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng Đại hội XII của Đảng sẽ bầu ra những nhà lãnh đạo để "mở ra cánh cửa cơ hội" nhằm giải quyết những thách thức của nền kinh tế Việt Nam.

Tờ Nikkei của Nhật cho biết, từ ngày 20-28/1, Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra ở Hà Nội, có sứ mệnh chọn lựa đội ngũ lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam trong 5 năm tới và mở ra kỷ nguyên mới với đất nước.

Trong khi đó, trang điện tử của Đài Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (CCTV) có bài hỏi đáp về quá trình hình thành, phát triển suốt 86 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trang này nhấn mạnh, với khoảng 4,5 triệu Đảng viên, đây là Đảng cầm quyền lớn thứ hai trên thế giới hiện nay.

Bài viết của CCTV cũng giới thiệu về quá trình chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng, tóm lược về công tác tổ chức, chuẩn bị văn kiện và nhân sự cho sự kiện quan trọng này. Trang này nhận định, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp các thế hệ lãnh đạo và thế hệ lãnh đạo mới sau Đại hội Đảng XII sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hướng đi tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Hãng tin AFP (Pháp) cũng đánh giá về tầm quan trọng của Đại hội XII của Đảng. AFP cho biết, Đại hội diễn ra vào thời điểm cấp bách đối với Việt Nam khi Việt Nam bước vào giai đoạn mới sau 30 năm đổi mới. “Kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, Việt Nam đã phát triển nhanh chóng từ một đất nước nghèo khó, thiếu thốn lương thực thành một nước có thu nhập trung bình, trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới”, tờ này viết.

AFP cũng nhận xét, dù còn gặp nhiều khó khăn, song Việt Nam vẫn đang khẳng định là một quốc gia có ảnh hưởng lớn trong khu vực, cũng là một trong những quốc gia có chỉ số phát triển tốt nhất của khu vực.

Bình luận viên Mike Ives của tờ New York Times nhận định rằng Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có tác động lớn đến đường lối đối ngoại trong tương lai của đất nước và các nhà lãnh đạo mới sẽ phải tiếp tục giải quyết những vấn đề khó khăn như vấn đề Biển Đông hay mở rộng hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, đa phương hóa, đa dạng hóa với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Về phương diện kinh tế, Bloomberg cho rằng các nhà lãnh đạo được Đại hội lựa chọn tới đây sẽ phải lựa chọn con đường tăng trưởng phù hợp cho nền kinh tế Việt Nam để vượt qua những thách thức và xử lý những vấn đề tồn đọng.

"Việt Nam đang trên đà để có một năm 2016 nổi bật", báo cáo của tổ chức Australia & New Zealand Banking Group hồi đầu tháng nhấn mạnh. "Tuy nhiên, viễn cảnh dài hạn sẽ phụ thuộc vào kết quả của những thay đổi chính trị diễn ra trong vòng 12 tháng tới".

"Trong năm 2016 và 2017, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ là một trong những nước tăng trưởng nhanh nhất", ông Eugenia Victorino, người phụ trách bản báo cáo trên, nhấn mạnh.

Ông Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á, cũng có nhiều đánh giá về phương diện kinh tế, nhất là hội nhập kinh tế, trong đường hướng phát triển sắp tới của Việt Nam.

Ông Carl Thayer nhận xét, dự thảo Báo cáo chính trị công bố hồi năm ngoái nêu rõ phải tăng cường hiệu  quả công tác đối ngoại và đưa ra sáng kiến thúc đẩy hội nhập quốc tế, trong đó ưu tiên hội nhập kinh tế quốc tế. Việc Hội nghị trung ương 14 thông qua Hiệp định TPP là một tín hiệu tốt, thể hiện hướng đi của Việt Nam trong những năm tới.

Báo cáo chính trị cũng kêu gọi tăng cường quốc phòng và an ninh trong “tình hình mới”. Điều này cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và tăng cường năng lực quốc phòng của Việt Nam.

Vị chuyên gia này cho rằng Việt Nam sẽ không từ bỏ đường lối đối ngoại “đa dạng hóa và đa phương hóa” quan hệ quốc tế, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Nhiều khả năng Việt Nam sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ với châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ trong các lĩnh vực như khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực bên cạnh lĩnh vực kinh tế.

“Việt Nam sẽ cố gắng duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc nhưng đồng thời cũng giảm thiểu sự phụ thuộc về mặt kinh tế vào láng giềng phương Bắc. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tiến trình nhằm hưởng lợi từ các mối quan hệ với các cường quốc mà không bị cuốn vào quỹ đạo của bất kỳ cường quốc nào”, ông Carl Thayer nhận định.

Thu An (tổng hợp)