In bài viết

Quy định bán thịt trong 8 tiếng: Sẽ rà soát, điều chỉnh

(Chinhphu.vn) – Đây là khẳng định của ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về vấn đề dư luận đang quan tâm - quy định thịt và phụ phẩm sau khi giết mổ chỉ được bán trong vòng 8 tiếng.

16/08/2012 17:46

Việc siết chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cần thiết - Ảnh Chinhphu.vn

Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành, quy định thịt và phụ phẩm sau khi giết mổ chỉ được bán trong vòng 8 tiếng.

Dù tới ngày 3/9/2012 Thông tư này mới có hiệu lực, nhưng ngay sau khi công bố, quy định mới đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ người dân, các tiểu thương, mặc dù các ý kiến đều cho rằng việc siết chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là rất cần thiết.

Bất cập giữa quy định và thực tế

Chị Nguyễn Thị Hòe, chủ một quầy kinh doanh thịt lợn tại chợ Thành Công, Hà Nội cho biết: Nếu có quy định về việc chỉ được bán thịt sống trong thời gian 8 giờ kể từ lúc giết mổ thì chị và nhiều tiểu thương khác tại chợ đành phải… bó tay.

Chị Hòe cho biết, thời điểm chị lấy thịt tại lò mổ Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội là khoảng 2-3h sáng, vận chuyển được về đến chợ cũng phải 7–8h. Trong khi đó, người đi chợ mua thịt cũng rải rác từ 7h-13h,14h mới hết.

Khi chúng tôi cung cấp thông tin sắp tới sẽ thực hiện quy định chỉ bán thịt trong vòng 8 tiếng từ khi mổ thịt, chị Phạm Thị Thanh, bán hàng tại chợ Mơ, Hà Nội kêu luôn: “Lợn được thịt lúc 4h sáng, bán đến 12h trưa thì đã là 8 tiếng. Nếu tôi vẫn còn hàng thì phải làm sao? Hằng ngày tôi vẫn mang về để tủ lạnh, chờ đến 16h, 17h mang ra bán nốt. Kinh doanh thịt lợn bây giờ có phải dễ dàng đâu”.

Khoảng 3 giờ chiều ngày 15/8, theo ghi nhận của phóng viên tại các chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, vẫn còn nhiều sạp bày bán đủ các loại thịt lợn. Bà Trần Ngọc Mùi cùng 3 tiểu thương chợ Hoàng Mai, Hà Nội cho biết đã biết quy định về thời gian bán thịt sống qua báo chí.

“Nếu Chi cục Thú y kiểm tra, chúng tôi chỉ còn cách lấy thịt ít đi, vào buổi sáng và trưa. Mọi ngày tôi bán được khoảng 60kg thịt, cũng có ngày không hết, phải để đến chiều như hôm nay. Để làm đúng quy định này, tôi chỉ bán khoảng 30kg-40kg thịt/ngày”, bà Mùi ước lượng.

Các tiểu thương chợ Hoàng Mai cũng cho biết, nếu lò mổ chịu cung ứng nhỏ lẻ cho từng tiểu thương theo yêu cầu thì chẳng phải lo lắng gì. “Nếu mình cần họ mới mổ thịt thì mình cứ lấy ít, bán hết lại lấy nữa, được thế thì chẳng lo giới hạn thời gian. Có điều lò mổ họ làm có giờ nên cũng khó lắm”, một tiểu thương nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trong những ngày qua, Cục Thú y cũng đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau về nội dung quy định tại Thông tư.

Các hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm đặc biệt là các hộ kinh doanh tại các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm lo ngại ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình.

Một số ý kiến của các chuyên gia, người tiêu dùng bày tỏ đồng tình với quy định của Thông tư, tuy nhiên còn băn khoăn với tính thực thi của văn bản trong điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay.

Liệu có kiểm soát được?

Ngay tại tuyến đường chợ Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội đếm sơ đã có hơn chục quầy bán thịt lẻ. Bà Lê Thị Thu, một người dân sống gần khu chợ, hàng ngày mua bán ở đây, cho biết, các quầy bán thịt trên tuyến đường này thường bán từ 6-7h sáng tới 6-7h tối. Thậm chí có hôm trời mưa, có quầy còn bán đến 8 giờ tối.

"Tôi không thấy mấy khi có người giao thịt mới mổ đến các quầy vào buổi trưa cả. Nếu đi chợ vào buổi chiều chắc chắn người tiêu dùng toàn ăn thịt đã quá 8 giờ", bà Thu nói.

Theo ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y, thực tế cho thấy về điều kiện giết mổ, bảo quản, thịt gia súc, gia cầm hiện nay phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Việc kinh doanh thịt gia súc, gia cầm phần lớn ở các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm kể cả bán hàng rong không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong kinh doanh...

Lực lượng cán bộ thú y tại các địa phương hiện cũng còn thiếu trong khi phải đảm đương quá nhiều nhiệm vụ như phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ; kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Điều này đang gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát của cơ quan thú y.

Ông Phạm Văn Đông cũng thừa nhận, các chế tài xử lý, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm hiện còn nhiều hạn chế.

Rà soát, đề xuất sửa đổi bất cập

Ông Đông cho biết, trong quá trình xây dựng Thông tư, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố đề nghị quy định rõ điều kiện, thời gian bảo quản đối với thịt, phụ phẩm để thuận lợi cho việc giám sát và xử lý vi phạm.

Trên cơ sở đặc tính sinh hóa của thịt và kết quả nghiên cứu ô nhiễm vi sinh vật trong thịt tươi ở điều kiện bình thường (nhiệt độ từ 20 – 25 độ C) cho thấy, sau 8 giờ các mẫu xét nghiệm (lấy từ cơ sở kinh doanh) đều vượt giới hạn cho phép, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Việc ban hành Thông tư nhằm triển khai thực hiện Luật An toàn thực phẩm, từng bước nâng cao, cải thiện điều kiện giết mổ, bảo quản, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm góp phần ngăn ngừa dịch bệnh động vật lây lan, đảm bảo an toàn thực phẩm bảo vệ sức khẻ cộng đồng.

Tuy nhiên, việc quy định chỉ được bán thịt trong khoảng thời gian 8 giờ kể từ sau khi giết mổ sẽ gây khó khăn nhất định trong điều kiện thực tiễn hiện nay.

Ông Đông cho biết, Cục Thú y đang tiếp tục thu thập các ý kiến phản ánh của cơ quan truyền thông, các đối tượng kinh doanh, người tiêu dùng, các cơ quan quản lý và các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm về những nội dung chưa phù hợp điều kiện thực tế ở Việt Nam hiện nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo Cục Thú y rà soát, đề xuất sửa đổi những điểm bất cập của Thông tư 33/2012/BNNPTNT trong đó có quy định liên quan đến yêu cầu chỉ được bán thịt trong 8 tiếng sau giết mổ.

Hoàng Diên-Thúy An thực hiện

Tin liên quan:

Chỉ được bán thịt trong vòng 8 giờ sau giết mổ