Phát sữa tươi học đường cho học sinh trường tiểu học Đăk Plao, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông. Ảnh: VGP/Đình Nam |
Theo Thông tư này, các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường bao gồm sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng đáp ứng các quy định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN5-1:2010/BYT ban hành. Các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường phải đảm bảo đủ 21 vi chất dinh dưỡng với các hàm lượng theo quy định tại Thông tư 31 này.
Thông tư này cũng yêu cầu sản phẩm sữa tươi dùng trong Chương trình sữa học đường phải được cơ sở sản xuất, kinh doanh công bố sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định 155/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doan thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.
Việc ghi nhãn sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình sữa học đường phải được thực hiện theo quy định của Bộ Y tế về Logo cho sản phẩm sữa phục vụ Chương trình sữa học đường.
Thông tư này chính thức có hiệu lực ngày 20/1/2020.
Thông tư này được thực hiện theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Kinh nghiệm thực tiễn triển khai Chương trình sữa học đường ở một số gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan sau 5 năm triển khai đã cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, tăng chiều cao của trẻ em. Chiều cao trung bình của trẻ em Trung Quốc tăng thêm 2cm, Thái Lan tăng thêm 5cm. Tại Việt Nam, qua 5 năm triển khai chương trình Sữa học đường tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tỷ lệ trẻ em thoát suy dinh dưỡng đạt 21,7%, đặc biệt có trẻ cải thiện về chiều cao đạt 36,8%.
Hiền Minh