Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico đang thực hiện một gói thầu mua sắm thiết bị xe ô tô 34 chỗ theo hình thức chào hàng cạnh tranh qua mạng đấu thầu quốc gia, phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ.
Trong phần yêu cầu về kỹ thuật của E-HSMT thì phần thứ nhất nêu các yêu cầu chính của thiết bị về năm sản xuất, thông số kỹ thuật, các tính năng yêu cầu của thiết bị; phần thứ 2 là nêu các yêu cầu khác.
Trong mục các yêu cầu khác này bao gồm 10 nội dung, trong số 10 nội dung đó có một nội dung là "Yêu cầu nhà thầu nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất".
Khi mở thầu có 2 đơn vị A và B tham gia, cả 2 đơn vị đều chào thầu cùng 1 loại hàng hóa của cùng một hãng sản xuất là hãng xe ô tô Thaco, loại thiết bị xe 34 chỗ được chào là cùng một loại, giống nhau 100% về thông số kỹ thuật và các tính năng yêu cầu. Tuy nhiên, tình huống như sau:
- Đơn vị A chào giá cao hơn đơn vị B; đơn vị A có Giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất do Công ty TNHH MTV sản xuất xe bus Thaco cấp;
- Đơn vị B chào giá thấp hơn đơn vị A (9 triệu đồng) và không có Giấy ủy quyền bán hàng trực tiếp của đơn vị sản xuất nhưng có Giấy xác nhận của một đại lý chính thức chuyên phân phối và bảo hành sản phẩm của hãng Thaco cho phép được sử dụng hàng hóa do đại lý đó phân phối để chào thầu đối với gói thầu này và đại lý cam kết sẽ cung cấp đầy đủ loại hàng hóa đó cho nhà thầu để cung cấp cho bên mời thầu và bảo đảm việc bảo hành hàng hóa theo hợp đồng cung cấp được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu (theo chủ đầu tư thì Công ty đang xác định đây là một chứng từ hợp lệ có thể chấp nhận được vì là giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc là tài liệu khác có giá trị tương đương).
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên – Vimico hỏi, trong trường hợp này Công ty dự kiến lựa chọn nhà thầu trúng thầu là đơn vị B thì có đúng không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Theo hướng dẫn tại Mục 15.2 Chương II Mẫu E-HSMT một giai đoạn một túi hồ sơ ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất thì không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.
Đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế..., trong E-HSMT có thể yêu cầu nhà thầu tham dự thầu phải cung cấp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương.
Trường hợp gói thầu có yêu cầu dịch vụ sau bán hàng thì bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu phải có một đại lý (hoặc đại diện) có khả năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ của nhà thầu như bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác được quy định tại Phần 2 của E-HSMT.
Đối với trường hợp của Công ty, việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ nội dung hồ sơ mời thầu, trên cơ sở hướng dẫn nêu trên và thuộc trách nhiệm của tổ chuyên gia, bên mời thầu.
Đối với hàng hóa đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp dịch vụ sau bán hàng thì có thể đưa ra yêu cầu về giấy phép bán hàng như nêu trên.
Trường hợp hàng hóa thuộc gói thầu là ô tô được bán sẵn trên thị trường thông qua các đại lý được nhà sản xuất xác nhận là đại lý chính thức, chuyên phân phối, bảo hành sản phẩm của hãng, đồng thời các đại lý này đủ khả năng cung cấp dịch vụ sau bán hàng thì việc nhà thầu cung cấp tài liệu xác nhận của nhà sản xuất như nêu trên để chứng minh khả năng cung cấp hàng hóa (bao gồm cả dịch vụ sau bán hàng) cần được coi là phù hợp với yêu cầu của gói thầu.
Chinhphu.vn