In bài viết

Quy định kiểm tra thiết bị nhập khẩu làm khó DN?

(Chinhphu.vn) - Công ty của ông Nguyễn Ngọc Đại có trụ sở ở TP. Hà Nội, chuyên thực hiện các dự án khu bếp ăn nhà hàng, khách sạn nên phải nhập khẩu các thiết bị bếp công nghiệp như tủ lạnh, bàn lạnh và trước khi thông quan, các thiết bị này phải kiểm tra chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

07/04/2016 11:02

Các thiết bị công ty ông Đại nhập khẩu nhiều chủng loại nhưng số lượng mỗi chủng loại ít, thông thường mỗi loại chỉ nhập 1- 2 chiếc, từ nhiều nhà cung cấp trên thế giới.

Hiện nay, biểu phí kiểm tra chất lượng cho thiết bị lạnh là 15 triệu đồng/model, chưa tính phí đăng ký và có thời hạn 3 năm. Trong một container công ty ông Đại nhập khẩu giá trị khoảng 350 triệu đồng đến 450 triệu đồng thường dao động khoảng 10 model khác nhau, như vậy chi phí kiểm tra chất lượng mỗi container khoảng 150 triệu đồng.

Bên cạnh đó, việc vận chuyển thiết bị đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 gặp khó khăn do Trung tâm ở nội đô và xe tải bị cấm lưu thông vào giờ hành chính, trong khi Trung tâm lại không nhận mẫu thử nghiệm ngoài giờ hành chính. Ngoài ra, Trung tâm cũng không có cam kết về thời gian trả kết quả cho doanh nghiệp.

Ông Đại đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có biện pháp giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

Về vấn đề này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến như sau:

Chi phí kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu

Điều 11, Điều 31, Điều 37 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá quy định:

Chi phí thử nghiệm, chứng nhận, giám định do doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu chi trả theo thoả thuận với tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định.

Doanh nghiệp nhập khẩu phải trả lệ phí kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu theo quy định của Bộ Tài chính.

Việc quyết định lựa chọn tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định để đánh giá sự phù hợp hàng hoá do mình nhập khẩu là quyền của doanh nghiệp nhập khẩu.

Tổng chi phí thực hiện chứng nhận, giám định (bao gồm các chi phí thử nghiệm, đánh giá, chi phí để thực hiện thử nghiệm, đánh giá sớm hơn quy định...) được nêu cụ thể trong báo giá hoặc hợp đồng. Chi phí này do tổ chức chứng nhận, giám định quy định theo quy định của pháp luật.

Tiếp nhận mẫu thử nghiệm và thời gian trả kết quả

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đôn đốc các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định phải bố trí nhân sự tiếp nhận mẫu thử nghiệm ngoài giờ hành chính.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức đánh giá sự phù hợp, doanh nghiệp trước khi gửi sản phẩm, hàng hoá đến phải thông báo để tổ chức đánh giá sự phù hợp bố trí thời gian và nhân sự (trong trường hợp tiếp nhận mẫu thử nghiệm ngoài giờ hành chính).

Thời gian cấp giấy chứng nhận hợp quy được tính từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp đầy đủ, hợp lệ (bao gồm cả thời gian thử nghiệm, đánh giá và cấp giấy chứng nhận).

Thông thường, thời gian thử nghiệm sản phẩm, hàng hoá là mất nhiều thời gian nhất, việc thử nghiệm phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố (các chỉ tiêu cần thử nghiệm theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn tương ứng; lượng hàng hoá cần thử nghiệm hiện đang còn tồn nhiều hay ít tại tổ chức thử nghiệm;...).

Để giảm thời gian, chi phí thử nghiệm các mẫu sản phẩm, hàng hoá theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 9:2012/BKHCN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã hướng dẫn tổ chức chứng nhận, giám định về nguyên tắc thừa nhận, sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp sử dụng tổ chức thử nghiệm nước ngoài.

Chinhphu.vn