Thông tư nêu rõ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận việc ngân hàng thương mại thành lập, chấm dứt hoạt động, giải thể chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp ở trong nước; thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh chấp thuận hoặc không chấp thuận việc ngân hàng thương mại thay đổi tên, thay đổi địa điểm đặt trụ sở chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch trên địa bàn; chấm dứt hoạt động phòng giao dịch trên địa bàn (trong trường hợp tự nguyện chấm dứt hoạt động); thay đổi chi nhánh quản lý phòng giao dịch trên địa bàn; Đủ điều kiện khai trương hoạt động chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại trên địa bàn.
Trong một số trường hợp cụ thể, nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại giao và điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét đề nghị thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp, phòng giao dịch ở trong nước; chi nhánh, văn phòng đại diện, ngân hàng 100% vốn ở nước ngoài của ngân hàng thương mại trên cơ sở đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định và phù hợp với điều kiện thực tế.
Về nguyên tắc lập hồ sơ, ngân hàng thương mại lập hồ sơ bằng tiếng Việt. Các bản sao tiếng Việt và các bản dịch từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt phải được cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo quy định của pháp luật. Các văn bản của ngân hàng thương mại gửi Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh theo quy định phải do người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật của ngân hàng thương mại ủy quyền ký. Người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho người khác phải bằng văn bản ủy quyền được lập phù hợp với quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/10/2013.
Thanh Hoài