In bài viết

Quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí

(Chinhphu.vn) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 100/2025/NĐ-CP ngày 8/5/2025 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2025/NĐ-CP ngày 3/3/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện lực và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án kinh doanh điện lực.

09/05/2025 09:39
Quy định mới về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí- Ảnh 1.

Chính phủ sửa đổi quy định về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí

Nghị định số 100/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Điều 15 Nghị định số 56/2025/NĐ-CP nhằm quy định cụ thể hơn về cơ chế huy động các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí thiên nhiên khai thác trong nước phù hợp với chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực và nhu cầu thực tiễn trong giai đoạn sắp tới.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung tên Điều 15 thành "Cơ chế bảo đảm tiêu thụ nguồn khí thiên nhiên khai thác trong nước; nguyên tắc chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện và sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn cho các dự án nhiệt điện khí". Bộ Công Thương cho biết, việc sửa đổi tên Điều 15 không làm thay đổi nội hàm của Điều 15 mà chỉ để đảm bảo bao quát và liệt kê đầy đủ các nội dung được giao tại khoản 2 Điều 12 Luật Điện lực.

Đồng thời, Nghị định số 100/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3, khoản 4 Điều 15 Nghị định số 56/2025/NĐ-CP về cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí.

Cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước

a) Các dự án nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước được vận hành, huy động ở mức tối đa theo khả năng cấp khí, đáp ứng các yêu cầu ràng buộc về nhiên liệu, công suất và sản lượng phát điện khả dụng của dự án nhiệt điện khí, nhu cầu và ràng buộc kỹ thuật của hệ thống điện quốc gia;

b) Quy định tại điểm a khoản này áp dụng cho các dự án nhiệt điện khí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra văn bản thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư và bắt đầu vận hành phát điện bằng khí thiên nhiên khai thác trong nước trước ngày 01 tháng 01 năm 2036. Việc áp dụng cơ chế quy định tại điểm a khoản này được tiếp tục áp dụng cho đến thời điểm nhà máy nhiệt điện khí không còn sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước cho phát điện.

c) Trường hợp khả năng cấp khí thiên nhiên khai thác trong nước không đáp ứng được nhu cầu phát điện của dự án nhà máy nhiệt điện khí, Bên bán điện và Bên mua điện thỏa thuận, thống nhất phương án sử dụng nhiên liệu và giá điện trong hợp đồng mua bán điện theo quy định hiện hành.

Bộ Công Thương cho biết, các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí thiên nhiên khai thác trong nước sẽ tham gia gián tiếp thị trường điện cạnh tranh, do đó không áp dụng cơ chế về sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn và được vận hành, huy động ở mức tối đa theo khả năng cấp khí, đáp ứng các yêu cầu ràng buộc về nhiên liệu và công suất, sản lượng phát điện khả dụng của dự án nhiệt điện khí và nhu cầu của hệ thống điện quốc gia.

Cơ chế phát triển các dự án nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu

Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn của dự án nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu được Bên bán điện và Bên mua điện thỏa thuận, thống nhất trong hợp đồng mua bán điện bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn không thấp hơn mức 65% sản lượng điện phát bình quân nhiều năm của dự án nhiệt điện khí. Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn được áp dụng trong thời hạn trả nợ gốc và lãi vay nhưng không quá 10 năm kể từ ngày đưa dự án vào vận hành phát điện;

b) Sau thời gian áp dụng sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn, sản lượng điện hợp đồng hoặc tỷ lệ điện năng thanh toán theo giá hợp đồng cho các năm còn lại được Bên bán điện và Bên mua điện thống nhất trong quá trình đàm phán, thỏa thuận hợp đồng mua bán điện theo các quy định có liên quan;

c) Sản lượng điện phát bình quân nhiều năm được xác định theo Quy định phương pháp xác định giá dịch vụ phát điện; nguyên tắc tính giá điện để thực hiện dự án điện lực; nội dung chính của hợp đồng mua bán điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành và quy định trong hợp đồng mua bán điện.

d) Quy định tại điểm a, b và c khoản này áp dụng cho các dự án nhiệt điện khí sử dụng LNG nhập khẩu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra văn bản thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư và bắt đầu vận hành phát điện bằng LNG nhập khẩu trước ngày 01 tháng 01 năm 2031.

Trách nhiệm của Bên mua điện, Bên bán điện, Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện

Bên cạnh đó, Nghị định số 100/2025/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 và điểm a khoản 6 Điều 15 Nghị định số 56/2025/NĐ-CP để phù hợp với các nội dung sửa đổi tại khoản 3, khoản 4 Điều 15 nêu trên.

Cụ thể, Bên mua điện và Bên bán điện có trách nhiệm đàm phán, thỏa thuận thống nhất các nội dung cụ thể trong hợp đồng mua bán điện tuân thủ các quy định tại Điều này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia và Đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện có trách nhiệm lập kế hoạch vận hành hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện cạnh tranh bảo đảm tuân thủ các quy định tại Điều này và quy định của pháp luật về vận hành thị trường điện cạnh tranh các cấp độ và vận hành, điều độ hệ thống điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.

Nghị định số 100/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 8/5/2025.

Thanh Quang