![]() |
Ảnh minh họa |
Cụ thể, các doanh nghiệp FDI được phép thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa như: Thực hiện quyền xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối; mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá với doanh nghiệp chế xuất; lập cơ sở bán lẻ; lập chi nhánh để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa... theo quy định.
Một số điểm mới
So với quy định hiện hành, Thông tư này có một số điểm mới, cụ thể:
Về quyền xuất khẩu, doanh nghiệp FDI được mua hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu để xuất khẩu với điều kiện hàng hóa này đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác. Tuy nhiên, chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền nhập khẩu, quyền phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu; thay vì trước đây không phân biệt thương nhân Việt Nam hay nước ngoài, miễn là thương nhân có đăng ký kinh doanh mua bán hoặc có quyền phân phối.
Về quyền nhập khẩu, doanh nghiệp FDI nếu có quyền nhập khẩu nhưng chưa có quyền phân phối thì chỉ được trực tiếp bán hàng nhập khẩu cho thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền xuất khẩu, quyền phân phối hàng hóa đó; trước đó Thông tư 05/2008/TT-BCT không phân biệt thương nhân Việt Nam hay nước ngoài, miễn là thương nhân có quyền phân phối.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế xuất FDI sẽ được phép phân phối hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp ngoài khu chế xuất.
Thông tư cũng quy định doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hoá phải thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 7/6/2013.
Thanh Hoài