Ảnh minh họa |
Tại Thông tư 23/2012/TT-BLĐTBXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn: Đối với người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm hưởng lương hưu ghi trong quyết định nghỉ việc do người sử dụng lao động lập khi người lao động đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.
Còn đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời điểm hưởng lương hưu là thời điểm do người lao động ghi trong đơn đề nghị khi đã đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định.
Cũng theo Thông tư 23/2012/TT-BLĐTBXH mới ban hành, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm nộp hồ sơ cho tổ chức bảo hiểm xã hội chậm nhất 30 ngày trước thời điểm người lao động được hưởng lương hưu. Trường hợp người sử dụng lao động nộp hồ sơ chậm so với quy định thì phải có văn bản giải trình nêu rõ lý do.
Bổ sung quy định về tuổi đời hưởng lương hưu
Thông tư 23/2012/TT-BLĐTBXH cũng bổ sung thêm quy định về thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.
Theo đó, thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 1 tháng liền kề sau tháng sinh của năm mà người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.
Trường hợp hồ sơ người lao động không ghi ngày sinh, tháng sinh (chỉ ghi năm sinh) thì thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu là ngày 1/1 của năm liền kề sau năm người lao động đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu.
Về thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, Thông tư mới quy định: Thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động đối với người có đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm xã hội được tính từ ngày 1 tháng liền kề sau tháng có kết luận bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Thanh Hoài