Ảnh minh họa |
Thông tư yêu cầu TCTC, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có biện pháp và thường xuyên thực hiện việc thu thập, khai thác thông tin, số liệu về khách hàng, bao gồm cả thông tin từ Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC), công ty thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật để theo dõi, đánh giá tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng sau khi đã xếp hạng theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, có biện pháp quản lý rủi ro, quản lý chất lượng tín dụng phù hợp; thực hiện tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định.
Ít nhất mỗi tháng một lần, trong 7 ngày đầu tiên của tháng, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề, trích lập dự phòng rủi ro theo kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng cho CIC.
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, CIC tổng hợp danh sách khách hàng theo nhóm nợ có mức độ rủi ro cao nhất mà các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã tự phân loại và cung cấp cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được danh sách khách hàng do CIC cung cấp, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh nhóm nợ theo danh sách này và điều chỉnh số tiền trích lập dự phòng rủi ro của tháng cuối cùng của quý.
Thông tư nêu rõ, toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ.
Phân loại nợ theo 5 nhóm
Thông tư quy định, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ theo 5 nhóm: Nợ đủ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn.
Thông tư quy định cụ thể tỉ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ như sau: Nợ đủ tiêu chuẩn 0%, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới tiêu chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn trích lập 100%.
Thông tư cũng quy định điều kiện đối với tài sản bảo đảm để khấu trừ khi tính số tiền dự phòng cụ thể. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định tỷ lệ khấu trừ cụ thể của từng loại tài sản bảo đảm theo nguyên tắc tài sản bảo đảm có khả năng thanh khoản càng thấp, mức biến động giá càng lớn thì tỷ lệ khấu trừ tài sản bảo đảm càng thấp.
Về sử dụng dự phòng rủi ro, Thông tư nêu rõ: TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong trường hợp khách hàng là tổ chức bị giải thể, phá sản; cá nhân bị chết, mất tích, hoặc các khoản nợ được phân loại vào nhóm nợ có khả năng mất vốn.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/10/2021.
Minh Đức